Từ bỏ chủ tịch xã, về làm “mỹ tửu” Vân hương

  • Admin
  • 15-04-2016
  • Lượt xem

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tường chưa bao giờ hối tiếc về quyết định rẽ ngang từ một vị trí làm việc mà nhiều người trong xã mơ ước để trọn đời dồn tâm huyết cho mỹ tửu làng Vân.

Ông Nguyễn Văn Tường tại lò nấu rượu gia đình.

Nghĩ khác, làm khác
 
Hợp tác xã Vân Hương với thương hiệu “Rượu làng Vân” của nghệ nhân Nguyễn Văn Tường ở thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã nức tiếng gần xa. Hơn 20 năm về trước, ông Tường đã có quyết định khiến bạn bè và nhiều người trong làng kinh ngạc khi nghỉ làm Chủ tịch xã về làm bạn, say mê với nghề nấu rượu của ông cha.
 
Ông Tường đã gần 70 tuổi, nhưng niềm đam mê với nghề truyền thống thì chưa bao giờ già. Ông kể say sưa về rượu làng Vân nổi tiếng từ lâu. Đời vua Lê Huy Tông (1703), các nguyên lão trong làng mang rượu tiến vua, vua ban cho bá quan văn võ trong triều, quần thần khen ngon nên vua Lê hạ bút châu phê: “Vân hương mỹ tửu”.
 
Khi đất nước đổi mới (1986), Nhà nước bãi bỏ lệnh cấm nấu rượu, ông Tường nhìn ra cơ hội vàng cho nghề truyền thống làng Vân cất cánh. “Thời kinh tế thị trường, mình phải nghĩ khác, làm khác thời bao cấp”, ông Tường chia sẻ. “Tôi chú trọng xây dựng thương hiệu và hình ảnh rượu làng Vân. Chất lượng sản phẩm và uy tín mới là mấu chốt. Khách hàng sẽ ngày càng có đòi hỏi cao hơn về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm”, ông Tường nói tiếp.
 
Đón đầu xu hướng đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Tường có bước đi khôn ngoan cho sản phảm “Rượu làng Vân” của mình vươn xa. Lúc đó, nhiều gia đình trong thôn vẫn còn ưa chuộng dùng sắn để nấu rượu vì giá rẻ, còn ông táo bạo sử dụng gạo nếp cái hoa vàng ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Ông bỏ nhiều công sức sưu tầm và làm ra thứ men từ 35 vị thuốc bắc để tạo ra dòng sản phẩm có hương vị đặc trưng riêng.
 
Như thế vẫn chưa đủ, ông mạnh tay bỏ ra gần 1 tỷ đồng để mua hệ thống máy tinh luyện lọc bỏ các tạp chất của Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đáp ứng tiểu chất lượng Việt Nam, mang lại sản phẩm rượu an toàn.
 
Nhấp miệng một chén “Rượu làng Vân” của ông Tường, một vị thơm lừng, dịu êm lan tỏa khiến người uống phải nghiêng ngả. “Uống rượu này, bạn không lo đau đầu”, ông Tường cho biết.
 
Trong khi việc đăng ký thương hiệu vẫn là việc làm xa lạ với phổ biến các gia đình nấu rượu trong làng thì ông Tường nhanh tay làm việc hệ trọng này khi mang sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Năm 2002, ông đăng ký với cơ quan chức năng cho thương hiệu sản phẩm của mình với tên gọi quen thuộc “Rượu làng Vân”, cùng với hình ảnh ông già râu tóc bạc phơ. Một động thái cần thiết cho người nghệ nhân muốn đưa sản phẩm nghề truyền thống ra biển lớn.
 
“Chính các bước đi mới mẻ đó so với nhiều người trong làng đã giúp tôi dần xây dựng và khẳng định thương hiệu “Rượu làng Vân” của mình trên thị trường”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tường tiết lộ về bí quyết thành công của mình.
 
Làm ăn bài bản
 
Ở làng Vân có khoảng 300 hộ làm nghề nấu rượu, nhưng không  phải tất cả đều đưa được sản phẩm của mình tiêu thụ trên cả nước. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tường là người hiếm hoi trong làng làm được điều đó.

Sản phẩm rượu Làng Vân.
“Tôi làm ăn bài bản lâu dài, chứ không làm kiểu chụp giật”, ông Tường nói. Năm 1993, đang làng Chủ tịch xã Vân Hà, ông rẽ ngang sang kế thừa nghề truyền thông của ông cha trước sự bất ngờ của cấp trên, người thân và bạn bè. Bởi đó là một vị trí mơ ước với nhiều người, còn ông xin nghỉ mà chẳng mảy may hối tiếc.
 
Ông Tường không làm ăn theo kiểu cò con như nhiều người thường làm. Ông làm ăn lớn, chuyên nghiệp. Ông thành lập Hợp tác xã Vân Hương quy tụ 15 thành viên để tập trung vốn, xây dựng cơ sở sản xuất khang trang, quy trình khép kín, đóng gói nhãn mác bắt mắt.
 
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tường không chỉ nổi tiếng với ngón nghề nấu rượu truyền thống mà còn nhạy bén trong việc đưa sản phẩm của mình đổ bộ vào các thị trường trên cả nước. Ông thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mai, hội chợ nhằm tìm kiếm khách hàng, mở văn phòng đại diện ở Hà Nội để tiên giao dịch, mở website để quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm “Rượu làng Vân” của ông đã nổi tiếng và được tiêu thụ trên cả nước.
 
“Hiện một số siêu thị lớn ở Hà Nội đang đàm phán với tôi để đưa sản phẩm rượu của tôi vào bán trong siêu thị”, ông Tường cho biết một tin vui đối với thương hiệu “Rượu làng Vân. “Trong tương lai, Hợp tác xã Vân Hương còn hướng đến sản xuất rượu đáp ứng đủ tiêu chuẩn trong khu vực để xuất khẩu ra một số nước trong khu vực Đông Nam Á”.
 
Ông Nguyễn Thái Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang tấm tắc nói: “Trong các làng nghề ở Bắc Giang thì sản phẩm rượu của nghệ nhân Nguyễn Văn Tường là một thương hiệu nổi bật, có uy tín trên thị trường cả nước”.
 
Theo Nguyễn Thắng (Thời Báo Việt Làng Nghề)


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close