Trong đợt phong tặng nghệ nhân quốc gia đợt này (2015), có một nghệ nhân điêu khắc tại TP.HCM được Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam đề cử vào danh sách xét tặng nghệ nhân quốc gia sau những nỗ lực không ngừng của bản thân, vươn lên trong cuộc sống.
Các em khuyết tật đang trong giai đoạn “làm nguội”cho sản phẩm tượng Chúa. (Ảnh: Hữu Thắng)
Ba lần thất bại
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Thạo tâm sự: Thuở nhỏ rất thích đục đẽo, chạm khắc cây gỗ thành những hình thù lạ mắt. Đến khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương (Hà Nam) năm 1993, với tấm bằng đỏ, anh được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Song anh đã không ở lại trường mà muốn thực hành ngay những điều đã được học.
Anh quyết định vào TP.HCM lập nghiệp. Suốt gần 5 năm vừa học vừa làm tại nhiều cơ sở điêu khắc gỗ, anh đã tích lũy khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Năm 1997, anh quyết định mở cơ sở điêu khắc gỗ tượng ở huyện Hóc Môn TP.HCM.
Do mới ra nghề kinh nghiệm còn non trẻ và quen làm hàng chợ, nên khi đến với dòng mỹ thuật tâm linh đòi hỏi phải có sự trau chuốt, thổi hồn vào từng tác phẩm.
Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật và sống động (Ảnh: Hữu Thắng)
Chính thói quen không chăm chút sản phẩm đã dẫn đến thất bại đầu tiên khi những sản phẩm đầu tay như tượng Chúa, Đức Mẹ... ra đời nhưng đều nhận những cái lắc đầu vì “tác phẩm nhìn không có hồn”.
Quyết tâm gây dựng lại, anh ngày đêm trăn trở tìm nguyên nhân thất bại và đúc kết rằng sản phẩm không tiêu thụ được do thiếu sự đầu tư chiều sâu về mỹ thuật. Thay cho những đường nét chạm trổ thô, thiếu tính nghệ thuật và không có hồn như ngày trước, anh cẩn thận, chăm chút từng chi tiết nhỏ, nhất là những đường cong trên mắt, mặt...
Mỗi khi nhận công trình ở nhà thờ nào anh đều đến tận nơi nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa của công trình để làm thế nào thể hiện được thần thái của bức tượng vừa gần gũi vừa linh thiêng. Đây là điều nghệ nhân Hữu Thạo quan tâm hàng đầu từ khi phác họa hình ảnh cho đến khi hoàn thành tác phẩm.
Chỉ vài tháng sau, các tác phẩm của anh thông qua các nhà sách giáo lý, anh đã tiếp thị sản phẩm của mình đến được với nhiều nhà thờ, giáo xứ.
Lần thứ hai, nghệ nhân Thạo bị phá sản là do đối thủ lớn cạnh tranh khốc liệt bằng mọi hình thức. Nhưng khi kinh nghiệm và mối quan hệ đã tương đối, sự vấp ngã ấy chỉ khiến anh quyết tâm đứng dậy. Lần thứ ba phá sản là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
“Quá tam ba bận” nhưng không làm anh nản lòng, với quyết tâm vươn lên trước những trở ngại, anh đã dần xây dựng nên cơ sở điêu khắc Thiên Phú Thạo và hiện là địa chỉ tin cậy của nhiều nhà thờ, nhà chùa từ Nam chí Bắc.
Trải qua hơn 20 năm nhìn lại gia tài của nghệ nhân Hữu Thạo là hàng nghìn sản phẩm tâm linh bằng gỗ. Qua bàn tay anh, những gốc cây, thân gỗ đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống
Dòng mỹ thuật tâm linh nhất là điêu khắc gỗ mỹ nghệ cần được đầu tư chiều sâu về mỹ thuật, người nghệ nhân ngoài các tính kiên trì nhẫn nại phải có sự chăm chút đến từng chi tiết nhỏ để các đường nét của tượng tâm linh gần gũi với đời thường.
Những trăn trở nhằm bảo tồn và phát huy một nghề truyền thống, vừa tạo được công việc làm cho người khuyết tật đã thôi thúc anh tìm đến Trung tâm nuôi trẻ khuyết tật Nhân Ái Cà Mau và nhận đào tạo nghề cho các em.
Tại Cơ sở điêu khắc gỗ của anh, các em được nuôi ăn ở và học nghề hoàn toàn miễn phí. Sau mỗi khóa học (khoảng 30 tháng), các em còn được nhận một khoản tiền 25 triệu đồng và có thể ở lại xưởng làm việc với mức lương tối thiểu 4 triệu đồng/tháng. Do các em khuyết tật nên việc đào tạo khó hơn và thời gian kéo dài so với những học viên bình thường. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Hữu Thạo, khuyết tật ở đây khiếm thính và câm nhưng học nghề rất chăm chỉ và kiên nhẫn.
Hiện nay, xưởng điêu khắc của anh có khoảng 20 thợ, trong đó có 15 thợ là người khuyết tật và đã có 4 người ra nghề, tiếp tục ở lại làm việc tại cơ sở.
Nghệ nhân Trúc Nhị, một trong 4 người khuyết tật đã ra nghề và đang làm tại cở sở điêu khắc Thiên Phú Thạo. (Ảnh: Hữu Thắng)
Anh Thạo cho biết thêm với mong muốn đào tạo nghề chạm khắc cho các em khuyết tật trong tương lai, thông qua website: www.thienphuthao.com anh đã giới thiệu các sản phẩm tượng gỗ tâm linh do các em khuyết tật làm và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ ủng hộ các em cũng như giới thiệu cho nhiều em đến học nghề tại đây.
Với mong muốn giữ nghề và truyền nghề cho thế hệ tiếp nối, anh chú trọng việc đào tạo nghề cho anh em, con cháu trong gia đình.
Hiện nay, người em của anh là nghệ nhân Nguyễn Hữu Định là một trong những người thợ chính của cơ sở. Ngoài ra anh còn định hướng đào tạo 2 con theo nghề điêu khắc gỗ, bởi anh mong muốn nghề điêu khắc tượng mà anh dày công học tập, rèn luyện đúc kết kinh nghiệm để có những sản phẩm nghệ thuật như hôm nay cần phải gìn giữ và lưu truyền cho con cháu mai sau./.
Tại nhà thờ Tắc Sậy Bạc Liêu, một số bức tượng do nghệ nhân Nguyễn Hữu Thạo thực hiện như Bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giesu cao 4,2m đặt trong nhà thờ; Bức tượng Cha cao 2m đặt trước mộ Linh mục Bửu Diệp rất đặc sắc, công phu. Đặc biệt, tượng Đức Me La Vang cao 3,6 m đặt trong nhà truyền thống Vương Cung Thánh đường La Vang được tặng thưởng sản phẩm Tinh hoa làng nghề do Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam trao tặng năm 2012.