Làng cá sấu Sài Gòn – phát triển mô hình khép kín thành công

  • Admin
  • 11-04-2016
  • Lượt xem

Làng cá sấu Sài Gòn, một địa điểm ở TP.HCM không chỉ được khách trong nước biết đến mà nơi đây còn đón hàng ngàn du khách nước ngoài đến tham quan du lịch.

Du khách nước ngoài tham quan mua sắm các mặt hàng mỹ nghệ được làm từ da cá sấu tại Làng cá sấu Sài Gòn. (ảnh tư liệu)

Làng cá sấu Sài Gòn được đưa vào hoạt động từ năm 2003, dưới sự liên kết đầu tư của Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Lộc và Công ty TNHH Cá Sấu Hoa Cà, Làng nghề cá sấu Sài Gòn được xây dựng với nhiều hạng mục như: hồ câu cá sấu, phòng mổ cá sấu, nhà hàng Cá Sấu Hoa Cà, cửa hàng sản phẩm chế biến từ da cá sấu, nhà triển lãm cá sấu... với tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng trên diện tích 8.000m2.

Hơn 10 năm hình thành và phát triển theo hướng đưa cá sấu về các trang trại vệ tinh gia đình nhằm phát huy sức lao động của các hộ nông dân ở khu vực xung quanh, làng nghề đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nông dân và ổn định giá cả của thị trường tiêu thụ cá sấu.

Trong đó, hàng năm làng nghề xuất hơn 1.600 con cá sấu thương phẩm, lấy da để phục vụ cho xưởng sản xuất và cung ứng hơn 3.000 con cá sấu giống cho thị trường. Ngoài lượng thịt được chế biến và tiêu thụ trong nước, thì hơn 80% các sản phẩm làm từ da được tiêu thụ bởi lượng du khách nước ngoài thông qua hệ thống bán hàng của làng nghề trên toàn quốc.

Theo anh Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng ban quản lý Làng Cá Sấu Sài Gòn, khu nuôi cá sấu có diện tích hơn 1.000m2, được thiết kế như một đầm lầy thu nhỏ, gần giống với môi trường tự nhiên để cá sấu có thể sinh trưởng tốt.

Đến thời điểm gần thu hoạch, cá sấu thương phẩm được nuôi vào một khu vực riêng, trong những chiếc chuồng lưới sắt rộng, có sân phơi nắng, ở khu vực yên tĩnh hoàn toàn và được nghe nhạc để có thể cho ra những con cá sấu có chất lượng thịt và da tốt nhất.

Cách trại nuôi không xa là khu vực xưởng sản xuất đồ da cá sấu. Nơi đây, có khoảng 50 công nhân thực hiện thủ công tất cả các công đoạn, từ thuộc da, thiết kế, may khâu... này và hàng tháng sản xuất khoảng 2.500 sản phẩm, chủ yếu là bóp, thắt lưng và túi xách. Những phần thừa khi làm các sản phẩm thời trang sẽ được tận dụng để tạo ra móc khóa, dây đồng hồ, ví đựng danh thiếp.


Các du khách trong nước chăm chú theo dõi từng công đoạn hình thành nên các sản phẩm được chế tác từ da cá sấu từ những nghệ nhân. (ảnh tư liệu)

Tại đây, tất cả các thành phần của cá sấu đều được tận dụng và hầu như không bỏ sót bất cứ thứ gì. Ngoài thịt và da được chế biến để xuất ra thị trường, các phần còn lại sẽ được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như:  rượu mật sấu, rượu cao sấu, đặc biệt xương cá sấu được chế biến để tạo thành cao phục vụ cho việc chữa bệnh xương thủy tinh.

Công trình nghiên cứu cao xương cá sấu chữa bệnh xương thủy tinh đã được công nhận là công trình khoa học cấp quốc gia và đã đạt được những thành công ngoài mong đợi khi giúp cho hơn 50% trẻ em tham gia chữa trị có thể đi lại và hoạt động bình thường.

Trung tâm có tên là Kim Cương Tươi Đẹp hiện nuôi và chữa trị cho 25 em nội trú bị bệnh xương thủy tinh và hơn 100 em điều trị ngoại trú. (Ảnh: Minh Tuấn)

Ngoài ra, làng nghề còn mở các lớp đào tạo nghệ nhân chuyên ngành sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ da cá sấu, góp phần tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương và các hộ nông dân trong hợp tác xã.

Theo định hướng phát triển trong tương lai, làng nghề sẽ tạo ra một thương hiệu cá sấu Việt mang tầm quốc tế. Cùng với đó là mô hình phát triển khép kín từ sản xuất, kinh doanh đến du lịch, từ đó tạo nên nét đặc trưng riêng của làng nghề cá sấu Sài Gòn.

Được biết, trong năm 2015 TP.HCM đã xuất khẩu 3.750 con cá sấu sống, 1.320 tấm da cá sấu muối, 520 tấm da thuộc cá sấu và 1.823 sản phẩm chế tác từ da cá sấu, tổng giá trị xuát khẩu ước tính khoảng 18 tỷ đồng (Theo số liệu của Sở NN&PTNT TPHCM).

Đông ấm với trẻ em xương thủy tinh quận 12

Đầu năm 2016, Mạng xã hội Phụ nữ Hiện đại, CLB 1001 cách sống thiện cùng các nhà tài trợ mang những món quà xuân đầy ý nghĩa đến với trẻ em xương thủy tinh tại Làng Cá Sấu Sài Gòn (Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM).

Xương thủy tinh là bệnh bẩm sinh, ngay từ khi trẻ ra đời đã bị loãng xương rất nặng, xương mỏng manh dễ vỡ như thủy tinh. Trẻ luôn phải chịu những cơn đau đớn do gãy xương liên tục và chịu những bất hạnh nặng nề trong cuộc sống.

Từ năm 2010, ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Làng Cá Sấu Hoa Cà thành lập Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp với sự giúp đỡ của các giáo sư, bác sĩ Khoa Dược trường ĐH Y Dược và Viện Y Dược Học Dân Tộc TP.HCM. Trong 6 năm qua, Trung tâm đã nghiên cứu chữa trị thành công hết đau đớn cho hàng trăm trẻ. Hiện nay, Trung tâm điều trị nội trú khoảng 25 trẻ và trợ cấp thuốc điều trị ngoại trú cho nhiều trẻ bệnh nghèo khác. Tại đây, các trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng với nhiều bước: uống thuốc, tập vật lý trị liệu, bơi lội… và được đến trường như các trẻ bình thường.
Minh Tuấn


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close