Mặc dù đã có các phương pháp điều trị để giảm bớt các triệu chứng bệnh vẩy nến nhưng việc áp dụng chế độ ăn kiêng có thể là một phương pháp bổ sung có giá trị để kiểm soát tình trạng này một cách hiệu quả. Dưới đây là những loại thực phẩm người bệnh vẩy nến nên ăn và tránh.
Bệnh vảy nến là bệnh ngoài da hay gặp ở nước ta. Bệnh gây ra những mảng da đỏ, ngứa ngáy, có vảy và thường xuất hiện ở những vùng da như đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. Đây là một bệnh lý mạn tính khó chữa và rất hay tái phát.
Bệnh thường có các đợt bùng phát triệu chứng kéo dài trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, sau đó sẽ thuyên giảm, nhiều khi không có biểu hiện trong một thời gian.
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa chất béo chuyển hóa không lành mạnh và hàm lượng natri cao, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm và tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo, có thể góp phần gây viêm và nên tiêu thụ một cách hạn chế.
Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng viêm gia tăng và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vẩy nến. Bệnh nhân nên tránh đồ ăn nhẹ có đường, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn thường chứa đường ẩn. Thay vào đó, hãy chọn chất làm ngọt tự nhiên như mật ong với mức độ vừa phải khi cần thiết.
Một trong những khuyến nghị về chế độ ăn uống chính cho người mắc bệnh vẩy nến là bổ sung các loại thực phẩm không chứa gluten.
Theo Tiến sĩ Pradeep Mahajan, nhà nghiên cứu và sáng lập giải pháp y học tái tạo (StemRx BioScience Solutions) tại Ấn Độ: “Gluten, một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen, có thể gây viêm ở một số người, làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vẩy nến”.
Tiến sĩ Mahajan cũng liệt kê những thực phẩm chống viêm nên bổ sung vào chế độ ăn uống để giảm viêm và hỗ trợ hệ miễn dịch.
Đầu tiên là thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa. Các loại quả mọng, rau lá xanh, trái cây và rau quả nhiều màu sắc chứa nhiều chất chống ôxy hóa có thể giúp trung hòa các gốc tự do có hại và giảm viêm.
Tiếp theo là axit béo omega-3. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi là nguồn giàu axit béo omega-3, có đặc tính chống viêm. Những thứ này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh vẩy nến.
Cuối cùng là chất phytochemical. Thực phẩm có chứa chất phytochemical, chẳng hạn như nghệ, gừng và trà xanh có tác dụng chống viêm và có thể góp phần kiểm soát các triệu chứng bệnh vẩy nến.
CTV Vũ Gia/VOV.VN (Biên dịch)
Theo Healthline