Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) được phát hành dưới dạng mã nguồn mở (tiền ở dạng những bit số). Bitcoin được phát hành năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiền này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Biến tướng “đa cấp” tiền ảo, lừa đảo
Chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm google về "đồng tiền điện tử" là hàng loạt trang quảng cáo mua bán, giao dịch tiền điện tử hiện ra trước mắt.
Người dân, nhà đầu tư nếu không phải là dân chuyên nghiệp thì khó mà nhận định được sàn giao dịch nào có uy tín, sàn nào là sàn “ma”, có dấu hiệu lừa đảo, bởi đặc tính các giao dịch của loại tiền điện tử này là ẩn danh.
Bên cạnh các loại tiền điện tử như Bitcoin, Etherium. Hiện nay tại Việt Nam, mô hình phát hành tiền ảo áp dụng hình thức "đa cấp" biến tướng đang rộ lên với mục đích khuyến dụ người dân đầu tư với hy vọng làm giàu từ những lời hứa có cánh của các thành phần "Thủ Lĩnh đa cấp truyền đạt". Chiêu trò của các mạng lưới đa cấp tiền ảo này thường dùng để thu hút nhà đầu tư là họ vẽ ra các "dự án ảo" ở nuớc ngoài có thể làm tăng giá đồng tiền ảo do chính họ bán cho người đầu tư nhưng trên thực tế người đầu tư không thể kiểm chứng dự án đó thực hư ra sao và tăng truởng dựa vào đâu ?! mà họ chỉ toàn nghe nói và hứa của người vào trước.
Vừa qua, báo chí đã phản ánh nhiều nhóm tội phạm đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tham lợi nhuận cao của người dân để lừa đảo. Tạo ra sàn giao dịch bitcoin “ma” thu gom tiền của người dân rồi sau đó biến mất, để lại thiệt hại khôn lường về mọi mặt cho người dân, gây bất ổn xã hội.
Điển hình hàng loạt người dân tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã bị các đối tượng dụ giỗ, để họ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”. Sự nhẹ dạ, cả tin, hám lợi và thiếu hiểu biết đã khiến nhiều người lâm vào cảnh điêu đứng.
Để dụ dỗ người dân tham gia, các đối tượng lừa đảo đưa ra mức lợi nhuận lên đến 144% mỗi tháng. Không những thế, chúng còn đưa ra các mức hoa hồng tăng dần theo kiểu đa cấp mỗi khi người tham gia giới thiệu thêm người mới. Bằng thủ đoạn này, chỉ sau một thời gian ngắn, mạng lưới lừa đảo đa cấp này đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Khi số lượng người tham gia đã đủ lớn, những kẻ lừa đảo biến mất cùng với sàn giao dịch và các dự án ảo. Người tham gia, khi nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.
Theo kết quả xác minh bước đầu và chưa đầy đủ của Công an Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, có khoảng khoảng 1.900ID tức 1.900 “Bitcoin” tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”. Tương ứng với đó, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt trên 22 tỷ đồng của người dân trong vùng. Điều đáng nói, trong số 300 người đã thống kê được là bị lừa đảo, có đến 1/3 trong số đó không biết cách giao dịch trực tiếp mà phải nhờ người giới thiệu trung gian hoặc các đối tượng lừa đảo thực hiện. Và vì các giao dịch chủ yếu diễn ra trên mạng internet nên công tác điều tra rất khó khăn.
Bà Trương Thị Thanh Thanh(tỉnh Gia Lai) trình bày sự việc bị lừa đảo.
Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín chuyên gia hàng đầu về kinh tế chia sẻ: “ Việc lập nên các sàn ảo để giao dịch rất nhiều và khó kiểm soát, hiện tại khung pháp lý của Việt Nam mình chưa có, nên những giao dịch trên những sàn đó chưa được pháp luật Việt Nam mình bảo vệ. Về góc độ kinh tế, hiện tại mình cũng chưa có được công cụ gì để đo lường được độ lên xuống của đồng tiền ảo, nên rất rủi ro cho người kinh doanh”.
Chia sẻ về điều này, ông Diệp Khắc Cường, cho biết: “Việc mua tiền ảo là dựa vào niềm tin và suy đoán nhưng nó khác với mua cổ phiếu (niềm tin dựa vào tài sản, chỉ số kinh doanh, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và các giá trị hữu hình khác), tiền điện tử tự in và phát hành, lợi nhuận tăng dựa vào sự khan hiếm? Nhưng không thể trả lời được vì sao nó khan hiếm? Làm sao để tin? Họ chỉ truyền tai nhau về sự khan hiếm và lợi nhuận, rồi lao vào đầu tư theo mô hình đa cấp để kiếm lợi truớc mắt, tiềm ẩn rủi ro, lừa đảo. Người ta không đủ cơ sở để kiểm soát được sự tăng hay giảm giá của tiền điện tử, khi lượng người mua nhiều hơn người bán thì giá nó tăng và khi người mua ít hơn người bán thì giá sẽ giảm và điều này chẳng ai nắm được cả, trừ khi giá trị tăng trưởng đó phải có sở cứ và minh bạch. Thực tế cho thấy, trên thế giới có nhiều đồng tiền điện tử hoàn toàn không áp dụng hình thức huy động vốn kiểu đa cấp nhưng họ vẫn rất thành công khi thu hút nhà đầu tư bởi chính các giá tri minh bạch và dự án hữu hình họ công khai cho cộng đồng có thể kiểm chứng.”
Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ 3 đối tượng, gồm: Thân Thị Toan (50 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi (54 tuổi, trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cơ quan An ninh điều tra xác định nhóm 3 đối tượng trên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền "ảo" Bitcoin.
Đào bitcoin coi chừng “sập mỏ”
Đào bitcoin là quá trình sử dụng các máy tính để dò tìm bitcoin. Muốn kiếm được bitcoin bạn phải có máy tính và máy tính phải có cấu hình “cực khủng”, sau đó bạn tiến hành cài đặt phần mềm vào máy tính (ví dụ một phần mềm chuyên đào bitcoin là CGminer), tiếp đến bạn phải đăng ký tham gia mạng lưới bitcoin (ví dụ như mạng lưới: https://ghash.io/) lấy pool sau đó cho phần mềm chạy thì quá trình đào bitcoin sẽ tự động diễn ra.
Tuy nhiên, việc đào bitcoin không hề dễ dàng khi chi phí đầu tư rất khủng và rủi ro cao, có khi trắng tay.
Vừa qua, thông tin về sàn tiền ảo BTC-e bị sập khiến hàng triệu USD của các nhà đầu tư Bitcoin Việt Nam có nguy cơ mất trắng. Một ngày sau thông báo dài chỉ 2 dòng về sự cố bảo trì bất thường của sàn giao dịch BTC-e được đăng trên tài khoản Twitter vào 25/7 thì Alexander Vinnik - một quản trị viên quan trọng của sàn giao dịch tiền ảo BTC-e bị bị bắt giữ tại Hy Lạp vào 26/7 vì cáo buộc rửa tiền ít nhất là 4 tỷ USD.
Điều này đã khiến giới đầu tư Bitcoin trên khắp thế giới vô cùng hoang mang khi hàng "núi tiền" đang bị giữ tại đây mà không có cách nào xử lý được. Không chỉ thế giới, tại Việt Nam cũng có tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn người "không ăn không ngủ" khi sàn giao dịch BTC-e bị đóng cửa.
Hay mới đây (19/12), sàn giao dịch tiền ảo YouBit của Hàn Quốc buộc phải đóng cửa vì bị tin tặc tấn công. Được biết, kẻ gian đã đánh cắp khoảng 17% lượng tiền ảo ở sàn giao dịch này. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên sàn YouBit bị tin tặc tấn công. Vào tháng 4 vừa qua, sàn giao dịch tiền ảo này cũng mất 4.000 Bitcoin sau khi bị hacker “viếng thăm”. Theo tờ Ib Times, tổng số tiền mà YouBit bị mất sau 2 lần bị tin tặc lấy cắp lên tới con số 73 triệu USD. Hiện tại, YouBit đã nộp đơn xin phá sản và xin lỗi nhà đầu tư.
Nói về việc đào tiền ảo bitcoin, Tiến sĩ Bùi Quang Tín chia sẻ thêm: “Việc nhập một cái máy về dùng cho đào Bitcoin, chi phí để đào đôi khi còn cao hơn phần thu được, cho nên việc đầu tư cho dàn máy đào không còn hiệu quả như trước đây do thuật toán đào Bitcoin ngày càng khó. Không chỉ thế người đào bitcoin chịu nhiều rủi ro về kinh tế và không có cơ quan pháp luật nào bảo vệ cho mình và nó giống như một trò chơi đầy tính may rủi.”
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo khuyến cáo của Tổng cục Cảnh sát, hiện nay tại Việt Nam có một số sàn tài chính sử dụng Bitcoin, hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền người sau trả cho người trước, với chiêu trò lãi suất lên tới 30%-80%/năm. |
Theo Đình Quân (BVPL)