Nếu không làm đến nơi đến chốn tôi cho rằng chúng ta đang tạo ra tiền lệ xấu trong việc “cướp sóng”.
Nghệ sĩ Trường Giang đã cầu hôn diễn viên Nhã Phương ngay lễ trao giải Mai Vàng truyền hình trực tiếp trên VTV9. Hành động này hoàn toàn không có trong kịch bản, Trường Giang đã vi phạm những điều gì?
Lễ trao giải Mai Vàng của báo Người lao động năm nay được bàn tán hơn bao giờ hết bởi hành động bất ngờ cầu hôn người yêu Nhã Phương của nghệ sĩ Trường Giang. Sau hơn một ngày, sự kiện này vẫn nằm nổi bật trên các báo điện tử và bình luận xôm tụ của mạng xã hội bởi từ trước đến nay, chưa nghệ sĩ Việt nào dám lên sóng truyền hình phát ngôn điều gì không có trong kịch bản.
Chúng tôi xin đăng toàn văn ý kiến của nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM từ ý kiến trước tiên của bà trên Facebook.
Dùng sóng công cho việc riêng tư
Trường Giang cầu hôn Nhã Phương trên sóng truyền hình làm lố của chương trình trực tiếp ba phút
“Tôi chắc chắn hành vi của Trường Giang có vi phạm nghiêm trọng ít nhất là về mặt hành chính. Nguyên tắc ở Việt Nam không có báo chí, truyền hình, phát thanh tư nhân. Mọi chương trình kịch bản phải duyệt từng li từng tí, việc làm sai lệch nội dung đã quy định trong kịch bản đã là sai. Và việc sai kịch bản đó không phải vì giải thưởng, vì việc chung mà phục vụ chuyện tư. Trường Giang đã dùng sóng cho việc riêng tư của mình thì thử hỏi đúng hay sai? Việc vi phạm nội dung kịch bản luôn xử lý được ít nhất dưới góc độ hành chính. Hành vi sai này phải được điều chỉnh để không phá vỡ trật tự lâu nay.
Thứ đến, khán giả ngồi xem truyền hình có trả tiền xem truyền hình để xem chương trình; họ dành thời gian để coi một giải thưởng như là những giá trị văn hoá – giải trí được ghi nhận hằng năm; những đơn vị quảng cáo cho chương trình đó cũng phải đóng tiền cho chương trình… Thế nhưng, khán giả phải chứng kiến nội dung họ không muốn xem. Nếu nội dung này có trước trong kịch bản và được thông báo sẽ khác còn đây giải Mai Vàng tôn vinh các nghệ sĩ, là giải chính thức được thừa nhận, việc đem nội dung riêng tư vào một cách bất ngờ như vậy là coi thường khán giả.
Sẵn sàng xem tài năng, không phải xem lố bịch
Trường Giang nhận giải Mai Vàng và sau đó nói lời cầu hôn
Chúng ta cũng nên xét đến văn hoá ứng xử khi là người của công chúng, của đám đông. Lâu nay nghệ sĩ có fan, được người ta ngưỡng mộ vì tài năng chứ khán giả không sẵn sàng xem tất cả những hành vi lố bịch cụ thể như thế. Chừng nào nghệ sĩ đó trả tiền cho sóng truyền hình, nội dung đó có trong kịch bản thì hãy làm; còn đây là “cướp” sóng chương trình công cộng làm chuyện tư, tại một nơi đang vinh danh chính mình thì văn hoá ứng xử của cá nhân trước đám đông ở đâu?
Nhiều năm làm việc ở lĩnh vực này nhưng lần đầu tôi thấy một hành vi như vậy. Thật sự, nếu tôi là ban tổ chức giải Mai Vàng, ít nhất động thái đầu tiên là tước những giải thưởng đã trao cho Trường Giang. Bởi bản thân anh này đã coi thường giải thưởng mới làm như thế.
Và nếu chúng ta im lặng thì hành vi này được nhân rộng và rơi vào các sự kiện văn hóa chính trị khác thì sự nguy hiểm có lường nổi hay không? Theo tôi đây là hành vi vi phạm mới, chúng ta phải có tranh luận về việc xử lý trước hết ở các hội nghệ sĩ lẫn các giải thưởng.
Nếu không làm đến nơi đến chốn tôi cho rằng chúng ta đang tạo ra tiền lệ xấu trong việc “cướp sóng” truyền hình.
Trường Giang hôn Nhã Phương tại lễ trao giải Mai Vàng
Nghệ sĩ không chỉ có tài năng mà còn ở trình độ văn hoá, ứng xử với nghệ thuật anh đang phụng sự và khán giả anh đang phục vụ. Không phải có tài thì có thể làm cái gì mình thích; sự nổi tiếng đôi khi không tỷ lệ thuận với hành vi văn hóa nếu nền tảng thiếu".
Quỳnh Trang ghi - Ảnh: Phạm Huy (nguồn plo.vn)
http://plo.vn/van-hoa/truong-giang-vi-pham-gi-khi-cuop-song-cau-hon-751633.html