Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng nhiều Bộ, ngành, tổ chức nước ngoài gỡ bỏ gần 400 đường link bán hàng bất hợp pháp.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang)
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) về tình trạng quảng cáo sản phẩm như thuốc, thực phẩm chức năng… trên mạng tràn lan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, đây là vấn đề nhận được nhiều câu hỏi, sự quan tâm của xã hội.
Theo Bộ trưởng Tuấn, các quy định liên quan hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng đã được điều chỉnh bởi Luật quảng cáo, Nghị định 181 và một số điều được quy định ở Nghị định 72 về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ internet thông tin trên mạng. Tuy nhiên, thực tế có tình tình trạng lợi dụng internet và môi trường mở không biên giới của một số tổ chức cá nhân vì lợi ích đã sử dụng các trang mạng xã hội, đặc biệt trang mạng xã hội nước ngoài để thực hiện thông tin hoạt động không chính thống. Trong đó, có đăng nội dung quảng cáo những sản phẩm bị cấm, hàng giả, hàng nhái, sản phẩm liên quan đến sức khỏe tiêu dùng như thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… mà nội dung quảng cáo không đúng tính năng, tác dụng của sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Khi phát hiện ra tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cơ quan chức năng để xử lý. Kể từ khi có Thông tư 38, Bộ phối hợp với mạng nước ngoài gỡ bỏ gần 400 đường link rao bán sản phẩm bất hợp pháp. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Y tế thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong quá trình sản xuất, sơ chế, quảng cáo về sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng.
Thời gian tới, Bộ thực hiện giải pháp đồng bộ xây dựng chính sách văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng nghị định thay thế Nghị định 72, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để quản lý hoạt động kinh doanh, thanh toán qua mạng; tăng cường công tác thanh kiểm tra, phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN nghiên cứu đề xuất để quản lý tốt hơn.
Theo Hoan Nguyễn (thuonghieucongluan.com.vn)