TP.HCM nỗ lực định vị thương hiệu cá cảnh xuất khẩu

  • Admin
  • 02-06-2023
  • 152 Lượt xem

Sau nhiều năm gần như tạm ngưng vì đại dịch, hiện nay hoạt động xuất khẩu cá cảnh ở TP.HCM sôi động trở lại với nhiều doanh nghiệp liên tục có những lô hàng xuất ngoại.

Từ đầu năm đến nay, lượng cá cảnh xuất ngoại tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động nuôi và xuất khẩu cá cảnh dần có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đây còn là kết quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.

Cá cảnh tưng bừng xuất ngoại

Anh Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vidan VVG, TP.HCM cho biết: ngay những tháng đầu năm doanh nghiệp này đã có đơn hàng xuất khẩu cá dĩa, cá la hán, cá vàng, các Guppy, cá Betta số lượng lớn sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Trung bình mỗi tháng, công ty xuất hơn 1 tấn cá cảnh sống bằng đường bay quốc tế. Công ty Vidan VVG còn làm cầu nối để các trại cá cảnh ở khu vực phía Nam có thể xuất khẩu sản phẩm của mình.

“Hiện doanh nghiệp đang tổ chức hợp tác với các trại cá và những đầu mối giao thương nước ngoài, qua đó nhận về những đơn hàng và bắt đầu gia công tại các trại để bắt đầu đẩy mạnh việc xuất cá đi nước ngoài” - anh Việt nói.

tp.hcm no luc dinh vi thuong hieu ca canh xuat khau hinh anh 1

1 ha nuôi cá Koi thương phẩm trung bình mỗi năm thu lợi nhuận 250 - 350 triệu đồng.

Trại cá Tấn Phong của anh Nguyễn Tấn Phong, ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM có đến 50 ha hồ nuôi cá Koi thuần Việt, cung cấp cá cho các doanh nghiệp xuất đi Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia…Những tháng gần đây, lượng cá xuất khẩu có tăng lên nhưng vẫn chưa nhiều như thời điểm trước dịch bệnh nên các trại cá vẫn chưa hoạt động hết công suất.

Anh Nguyễn Tấn Phong chia sẻ, dù thị trường chưa phục hồi hoàn toàn nhưng vẫn phải luôn chú trọng xây dựng thương hiệu: “Cá Koi ở Củ Chi, Long An cũng có xuất nhưng cá ở Bình Lợi được chuộng hơn nhờ vào nguồn nước, cá ở đây rất màu sắc đậm nét nên giá trị được đánh giá cao hơn. Muốn bán ra thị trường thì doanh nghiệp họ nghe đến tên thương hiệu là họ đã an tâm rồi. Nhờ thêm mối quan hệ uy tín của các trại, cho thấy xuất hàng đi thương hiệu, nhãn hiệu rất quan trọng”

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và cá cảnh Thái Lan, Singapore vẫn chiếm lĩnh thị trường cá cảnh quốc tế thì việc xuất khẩu ngày càng nhiều cá cảnh Việt Nam là tín hiệu tích cực góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Không chạy đua sản lượng

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2023 TP sản xuất là 37,4 triệu con cá cảnh và xuất khẩu hơn 4 triệu con. Trong chính sách hỗ trợ ngành hàng xuất khẩu, TP.HCM không chủ trương đẩy mạnh sản lượng mà tập trung xây dựng những mô hình điểm về sản xuất và giữ vững chất lượng. TP thực hiện quy trình xây dựng thương hiệu, bản quyền cho cá cảnh, đáp ứng các vấn đề về sở hữu trí tuệ cho cá cảnh hàng hóa.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, cùng với đảm bảo chất lượng, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất nhiều giống cá cảnh mới để phục vụ thị trường.

tp.hcm no luc dinh vi thuong hieu ca canh xuat khau hinh anh 2

Nhiều đối tác quan tâm cá cảnh Việt Nam tại Lễ hội Cá cảnh TP.HCM tháng 5/2023.

“Ví dụ như cơ sở cá Hồng Anh, họ sản xuất được cá Huyết Long, sản phẩm này giá trị rất là cao. Hiện tại Việt Nam chỉ có 1 cơ sở này phát triển thành công thì như vậy về chính sách cũng sẽ tập trung hỗ trợ mô hình này để giúp doanh nghiệp cho ra được sản phẩm mới, tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị sản xuất” - ông Phạm Lâm Chính Văn nói.

Thị trường xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM hiện mở rộng ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm 50 đến 60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và Nam Phi. Hiện nay, do ảnh hưởng của chiến tranh và suy thoái kinh tế khiến giá vận chuyển tăng cao, nhu cầu tại châu Âu giảm mạnh nên các doanh nghiệp ngành hàng cá cảnh tìm kiếm những thị trường khác, đặc biệt là Đông Á.

TP.HCM hiện đang duy trì gần 90ha diện tích ao hồ nuôi cả cảnh của gần 300 cơ sở và hộ nuôi. TP xác định cá cảnh là một sản phẩm tiềm năng, phù hợp với nông nghiệp đô thị, nông dân có thể tận dụng những diện tích nhỏ để làm hồ, ao nuôi cá cảnh cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM cho biết: Sản xuất cá cảnh là một trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp TP.HCM. Đây là một trong những ngành nghề chuyên biệt nên hoạt động xúc tiến thương mại cũng được xây dựng riêng.

“Cá cảnh được xem như hàng xa xỉ, cho nên khi kinh tế người dân “rủng rẻng” thì họ sẽ quan tâm nhiều hơn… Thị trường hướng tới vẫn là xuất khẩu thì mới tạo được động lực phát triển kinh tế của mình. Còn hiện nay thì vẫn đang trạng thái cố gắng đáp ứng được nhu cầu thị trường và duy trì những đầu mối đang có sự tiêu thụ thường xuyên” - ông Đinh Minh Hiệp nói.

Tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM đang diễn ra nhanh chóng. Để phù hợp với sự phát triển, trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp TP đã chuyển đổi mạnh sang phát triển nông nghiệp đô thị, chuyển diện tích cây trồng vật nuôi hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của TP.

Cá cảnh được xác định là một sản phẩm tiềm năng, phù hợp. Theo kế hoạch chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, xác định mục tiêu xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành nuôi cá cảnh ở TP tập trung sản xuất được 300 triệu con cá cảnh vào năm 2030./.

Theo Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close