Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh (*): Giải bài toán tiếp cận vốn

  • Admin
  • 19-05-2023
  • 171 Lượt xem

Dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng với mức bình quân vẫn trên 10%/năm như hiện nay là quá khó đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp

Phản ánh với Báo Người Lao Động, rất nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) đang vay vốn tại các ngân hàng (NH) thương mại cho biết vẫn phải trả mức lãi suất trên 10%/năm. Các mức lãi suất này dù đã hạ nhiệt so với vài tháng trước nhưng vẫn cao hơn trước COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước kém, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh.

Lãi suất vẫn còn cao

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết ngành xây dựng đang gặp khó khăn rất lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản đối mặt với những đổ vỡ từ cuối năm ngoái đến nay. DN xây dựng bị nợ đọng, không đủ tiền thanh toán cho vật liệu xây dựng, nhà thầu phụ, lương công nhân và cả lãi vay NH. Do đó, DN rất cần vốn tín dụng để duy trì hoạt động. 

"Lãi suất cho vay có giảm nhưng chưa nhiều. Quan trọng không kém là DN cần NH thương mại duy trì hạn mức tín dụng như trước đây và bảo đảm tiến độ giải ngân để có dòng tiền tiếp tục kinh doanh. Lãi suất vay ngắn hạn hiện dao động khoảng 8%-9%/năm, còn trung - dài hạn thì cao hơn, chưa kể sức ép từ huy động vốn qua trái phiếu lên tới 13%-15%/năm" - ông Lê Viết Hải nói.

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh (*): Giải bài toán tiếp cận vốn - Ảnh 2.

Tiếp cận vốn ngân hàng vẫn là một trong những bài toán khó với nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua. Ảnh: TẤN THẠNH

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cũng phân tích lãi suất cho vay cần đưa về dưới 10%/năm để giúp DN tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm lẫn nhau giữa DN bên cạnh kích cầu tiêu dùng cho khách hàng. Khi đó, sức cầu nội địa tăng lên sẽ bù đắp kim ngạch xuất khẩu giảm. Như với ngành lương thực, thực phẩm, hiện tỉ suất sinh lợi khoảng 11%-12%/năm (chưa trừ khấu hao và lãi vay). Nếu DN phải vay với mức lãi suất trên 10%/năm sẽ bị lỗ. 

"Các NH thương mại cần nâng tỉ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm vì giá trị tài sản thế chấp hiện nay sau khi định giá lại bị giảm khá nhiều. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các NH định giá tài sản theo giá thị trường để làm cơ sở xác định mức cho vay đối với các DN có hoạt động kinh doanh tốt, vì theo quy định, các NH có thể cho vay tín chấp" - bà Lý Kim Chi kiến nghị.

Trong khi đó, ông Lê Bình Minh, chủ một DN nhỏ tại TP HCM, cho hay tuy được NH cấp hạn mức tín dụng hơn 10 tỉ đồng nhưng từ đầu năm 2023 đến nay công ty ông chỉ tập trung trả nợ các khoản vay cũ, không có nhu cầu vay mới vì sức mua giảm, hoạt động kinh doanh bị thu hẹp. "Thời điểm này, DN vay tiền để mở rộng sản xuất - kinh doanh có thể dẫn đến thua lỗ, áp lực trả nợ NH sẽ trở nên căng thẳng" - ông Minh nhận định.

Hiệp hội Ngân hàng chỉ ra thực trạng là nhiều DN đang gặp khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến dư nợ cho vay tăng chậm lại. Cụ thể, đến ngày 20-4, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 2,57% so với cuối năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước là tăng 6,46%. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả khảo sát của Hội DN TP HCM khi có đến 50% DN trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng vì đầu ra sản phẩm khá eo hẹp.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định NH Nhà nước đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, đồng thời giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm, tạo đà cho lãi cho vay đi xuống. Tuy nhiên, tại thời điểm này, lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể, trong khi số lượng DN ngừng hoạt động vẫn liên tục tăng. Điều này phản ánh các DN còn gặp khó khăn nên không đủ điều kiện vay vốn NH. Còn DN mạnh khỏe thì không dám vay.

Cần linh hoạt các công cụ điều hành

Bên cạnh lãi suất và cho vay, nhiều chủ DN than phiền họ không được hoặc chỉ được gia hạn nợ vài tháng trong khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn tối đa lên tới 12 tháng.

Lý giải vấn đề này, một lãnh đạo phụ trách khối DN của NH TMCP Á Châu (ACB) cho biết một trong những tiêu chí cốt lõi để gia hạn nợ là khách hàng phải chứng minh dòng tiền thu về trong tương lai. 

Theo đó, NH căn cứ thời điểm tiền về để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng và quyết định thời hạn gia hạn nợ. Vì thế, có trường hợp NH chỉ gia hạn nợ vài tuần, có những khách hàng được gia hạn trả nợ vài tháng và được tiếp tục vay mới. Còn trường hợp được NH gia hạn nợ nhưng không cho vay mới là khi khách hàng không có đơn hàng, không có nguồn thu trong tương lai, nếu giải ngân cho khoản vay mới NH sẽ lãnh đủ. 

"Không NH nào muốn gia hạn nợ vì trong thời gian gia hạn NH vẫn phải chi trả lãi suất cho người gửi tiền, đồng thời dòng tiền ra vào của NH cũng bị mất cân đối, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Dù vậy, khi DN đề nghị kéo dài thời hạn trả nợ, tức là họ đang gặp khó khăn về tài chính thì NH sẵn sàng thực hiện, nếu không sẽ dính nợ xấu" - lãnh đạo ACB phân tích.

Giám đốc một chi nhánh NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tại TP HCM cũng thừa nhận khách hàng có khả năng thanh toán nợ trong tương lai, NH mới chấp nhận gia hạn thời hạn trả nợ. Thế nhưng, cũng có không ít NH lo sợ tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh, ảnh hưởng không tốt đến kinh doanh nên mạnh tay gia hạn nợ dù biết rằng sau khi hết thời gian gia hạn, DN vẫn khó có tiền để trả.

Để thúc đẩy DN tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất - kinh doanh, mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ cân nhắc các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành.

Tuy vậy, một số chuyên gia tài chính lẫn lãnh đạo nhiều NH thương mại nhận định từ nay đến cuối năm 2023, nếu NH Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành cũng chưa đủ lực để kéo giảm lãi suất thị trường. Thế nên NH Nhà nước cần linh hoạt các công cụ điều hành lãi suất như giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, mở rộng cho vay thị trường mở, cho vay tái cấp vốn... để NH thương mại giảm chi phí huy động vốn. Khi đó, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh, kích thích DN tiếp cận vốn.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đề xuất Chính phủ cần thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô lên đến 10.000 tỉ đồng để bảo lãnh cho DN vay vốn nhằm gỡ nút thắt DN nhỏ không thể vay vốn vì không còn tài sản thế chấp hoặc tình hình tài chính yếu kém. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-5

Đẩy mạnh cho thuê tài chính

Một hướng ra về nguồn vốn cho các DN được Hội Lương thực thực phẩm TP HCM nêu là NH Nhà nước cần chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của các công ty cho thuê tài chính. Dịch vụ cho thuê tài chính rất có ý nghĩa đối với các DN trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi DN đang thiếu nguồn vốn đầu tư ban đầu, thiếu tài sản thế chấp... dịch vụ này có thể đầu tư máy móc để mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ.

THY THƠ - THÁI PHƯƠNG (Báo Người lao động)

Báo Người lao động


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close