Thông điệp trên được người đứng đầu Chính phủ đưa ra khi dự lễ khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, diễn ra sáng nay, 28/10.
Giai đoạn mới của đổi mới sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện 2 trong 1 rất quan trọng và ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
ĐMST đang là một xu thế tất yếu, là yêu cầu khách quan, sự lựa chọn chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước chúng ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. (Ảnh: VGP)
Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, Đảng, Nhà nước đã sớm quan tâm, có nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt qua các thời kỳ. Phát triển KHCN, ĐMST, quan điểm đề cao KHCN là quốc sách hàng đầu đã nói lên điều này.
Nhìn lại hơn 3 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam năm 2022 vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Xuất nhập khẩu có quy mô xếp thứ 20 trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho hay, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển KHCN, ĐMST tuy đã có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.
“Chúng ta không thể không băn khoăn, trăn trở và có trách nhiệm khi chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động còn chưa cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc Triển lãm VIIE 2023.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao ý tưởng của Bộ KH-ĐT trong hình thành NIC và việc kết nối đầy đủ các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam thông qua Triển lãm VIIE 2023 theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Triển lãm đã giới thiệu và lan tỏa hình ảnh “Quốc gia đổi mới sáng tạo” tới công chúng và cộng đồng ĐMST trên thế giới; cho thấy tiềm năng, lợi thế và những bước tiến của Việt Nam về ĐMST và việc tiếp cận, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng nói và bày tỏ vui mừng khi biết có nhiều đối tác từ Mỹ như Synosyps, Cadence, Arizona, Nvidia... tham gia để cụ thể hóa các thảo thuận đã ký với NIC trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa qua.
NIC công bố và ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Cho rằng tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải là chiến lược nhưng cũng phải hiện thực hóa bằng những việc làm, bước đi cụ thể, thực chất và hiệu quả, Thủ tướng đánh giá, VIIE 2023 đồng thời với khánh thành NIC chính là hiện thực hóa công cuộc ĐMST bước vào giai đoạn mới.
Việc khánh thành cơ sở của NIC sẽ tạo ra không gian ĐMST mới cho đất nước ta; thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển, trở thành mô hình thúc đẩy ĐMST cho đất nước. Đồng thời, góp phần tạo nên một biểu tượng cho Việt Nam là điểm đến của ĐMST.
Để huy tối đa hiệu quả đầu tư đối với NIC, Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan, doanh nghiệp cần mạnh dạn, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, tận dụng tốt hơn các cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cho 4 đơn vị đạt giải cao nhất.
Trong đó, Thủ tướng gợi ý một số nhiệm vụ trong tâm như hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động ĐMST tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái ĐMST, đặc biệt là các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo.
Đó là phải xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng KHCN, ĐMST cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen, y tế, giáo dục trí tuệ thông minh…
Phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST, cùng với doanh nghiệp, tập đoàn lớn; khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo; khối viện nghiên cứu, trường đại học; khối tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, các vườn ươm đổi mới sáng tạo…
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ĐMST và KHCN, đặc biệt là hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức ĐMST trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Thủ tướng cũng trân trọng đề nghị các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn tham dự chương trình này đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đầu tư, hợp tác đầu tư kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro cùng chia sẻ”.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển NIC, sớm triển khai công tác vận hành, thu hút các đối tác đầu tư, xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển tại cơ sở mới của NIC tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; hoàn thiện hạ tầng chiến lược kết nối, nhất là về giao thông và dịch vụ của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Thủ tướng thăm gian hàng liên minh MK, Safegate, Pavana, Facenet và Vissoft.
Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở nghiên cứu lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất hình thức hợp tác phù hợp với NIC ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích chung.
Các bộ, ngành, địa phương tích cực, cùng chủ động phối hợp để triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra trong việc phát triển hệ sinh thái ĐMST, trong đó luôn đặt doanh nghiệp - người dân là trọng tâm của đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ….
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Biểu tượng của quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sự kiện hôm nay ghi dấu sự hình thành của không chỉ một không gian ĐMST của quốc gia mà còn là biểu tượng, tượng trưng cho sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Trung tâm không chỉ kết nối hệ sinh thái ĐMST trong nước mà còn kết nối với mạng lưới các trung tâm ĐMST trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm của ĐMST trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK, cam kết đồng hành với Chính phủ Việt Nam, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp.
Ông đề cập đến 3 lĩnh vực có thể hợp tác, đó là: chuyển dịch năng lượng; công nghệ số và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Tập đoàn SK cũng mong muốn xây dựng giải pháp sản xuất thông minh và tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm đối phó với những vấn đề phát sinh trong tương lai do dân số già hóa. Tận dụng công nghệ nông nghiệp tiên tiến đang nắm giữ để triển khai các dự án xây dựng hệ thống phân phối lạnh, sản xuất phân bón ít carbon nhằm hướng tới sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.
Tại lễ khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc kết hợp khai mạc VIIE 2023, Bộ KH-ĐT cùng Meta đã trao giải thưởng ĐMST Việt Nam 2023 cho 12 giải pháp tiêu biểu và vinh danh top 4 giải pháp xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) được phát động từ tháng 10/2022. NIC cũng đã công bố và ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Google, Samsung, SpaceX, Intel, Cadence, VinaCapital, Southeast Impact Alliance, VNPT, Sovico, FPT, Tresemi về thúc đẩy ĐMST, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, tăng cường nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn. VIIE 2023 có khoảng 200 gian hàng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của Việt Nam như: Viettel, VNPT, Sovico, Masan, Becamex, VinFast, CT Group, Mobifone; các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, Signify, John Cokerill… |
Theo Vietnamnet