Gần đây tái diễn việc một số nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc tham gia quảng bá cho website không lành mạnh. Để ngăn chặn hiện trạng này, Bộ TT&TT đề xuất tăng xử phạt. Tăng xử phạt có hữu hiệu?
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, thời gian gần đây đã tái diễn hiện tượng một số diễn viên, ca sĩ cũng như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) đã có những phát ngôn không chuẩn mực hoặc tham gia quảng bá cho các website không lành mạnh như cờ bạc đổi thưởng. Đáng chú ý, đa số người hâm mộ theo dõi những người nổi tiếng này ở độ tuổi trẻ, dễ bị tác động về tâm lý và hành vi.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang, nếu những sự việc như thế này không có sự kiểm soát chặt chẽ cũng như không có hành lang pháp lý đầy đủ thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội. Bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rộng trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. “Điều đầu tiên chúng ta thấy là nguy cơ mất an ninh trật tự. Thứ hai là các nguy cơ về mất an ninh tiền tệ. Thứ ba là mất an toàn về sức khỏe. Và thứ tư nữa là có thể sẽ tạo ra một sự kích động, sự thiếu trật tự đối với những người trẻ”- ông Ngô Hương Giang nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang (phải) trao đổi tại VOV2. Ảnh: Quyết Thắng
Thực tế đã có không ít trường hợp bị xử lý nhưng những sự việc tương tự vẫn diễn ra, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Do đó, để hạn chế tình trạng này, Bộ TT&TT cho rằng các cơ quan hữu quan của Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL cần tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý mạnh tay đối với hiện tượng này. Cụ thể, đại diện Bộ TT&TT đề xuất:
Thứ nhất, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định đối với các hoạt động trên mạng xã hội, trong đó có hoạt động phát ngôn trên không gian mạng. Dự kiến giữa năm 2024 Nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành. Khi đó, bộ sẽ tham mưu tăng mức phạt tiền, cũng như thêm các hình phạt bổ sung cao hơn mức xử phạt hành chính, đối với các hành vi sai phạm trên không gian mạng.
Thứ hai, đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng… được cộng đồng quan tâm, chú ý, tạo ra ảnh hưởng, Bộ TT&TT vẫn đang phối hợp với Bộ VH-TT&DL ban hành quy chế phối hợp hạn chế lên sóng (mạng xã hội sử dụng từ "phong sát") đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm.
Thứ ba, đối với Bộ TT& TT, xử phạt sẽ không có vùng cấm hay ngoại lệ. Hiện nay, Bộ TT & TT đề nghị bổ sung quy định về xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tái diễn tình trạng phát ngôn thiếu chuẩn mực, quảng cáo sai sự thật của một số diễn viên, nghệ sĩ, KOLs là do mức xử phạt của chúng ta hiện nay vẫn còn thấp, thông thường từ 5-10 triệu đồng, một vài trường hợp khác có thể cao hơn. Nhìn chung đối với những người nổi tiếng, những nghệ sỹ, KOLs, những người kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội dùng tin giả để kích thích người dùng, câu view, gây sự quan tâm để bán được hàng hoặc đạt được mục đích… thì với mức xử phạt như hiện nay không đủ sức răn đe.
Một số nghệ sĩ vi phạm khi tham gia quảng cáo trên mạng xã hội.
Chia sẻ cùng VOV2, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang đồng tình ủng hộ cao với những đề xuất mới về tăng cường các biện pháp, hình thức xử phạt do Bộ TT&TT đề xuất. “Tôi cho rằng những đề xuất mới của Bộ TT&TT vừa mang tính chất đa diện và toàn diện, đồng thời đi vào thực tế sát sườn trong vấn đề ngăn chặn tình trạng nổi cộm của mạng xã hội hiện nay” – ông Ngô Hương Giang nhận định.
Cùng với việc tăng mức phạt tiền, tăng các hình phạt bổ sung như cấm sóng, xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động… Nghĩa là phải áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc, thay vì chỉ quan tâm tới việc nâng mức phạt tiền… nhận được sự đồng tình của đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nếu việc tăng mức phạt, tăng các hình thức, chế tài… chỉ áp dụng riêng đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs thì sẽ là không công bằng - vì trước pháp luật mọi người đều bình đẳng như nhau. Thế nhưng, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang cho rằng: “Đối với những người có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tới giới trẻ như nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs họ có vai trò của người tiên phong thì rõ ràng chế tài phải cao hơn những người bình thường”.
Nghệ sĩ, KOLs là những người có tầm ảnh hưởng xã hội nên cần có chế tài xử phạt cao hơn bình thường nếu vi phạm.
Để xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, cần có sự phối hợp liên ngành, cùng với hành lang pháp lý đầy đủ và một biện pháp rất quan trọng nữa là từ phía công chúng. Người dùng mạng xã hội cần tích cực sử dụng quyền và trách nhiệm của mình để bày tỏ thái độ đúng mực, cần phải lên án, thậm chí “tẩy chay” những nghệ sĩ, những người nổi tiêng có những phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực.
Mạng xã hội là thế giới mở, nơi con người có thể dễ dàng bày tỏ những quan điểm cá nhân. Nhưng không có nghĩa là ai muốn làm gì cũng được. Mỗi chúng ta, đặc biệt là những nghệ sĩ, những người nổi tiếng có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội hãy là người sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm. Bởi để xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, biện pháp mạnh là điều cần thiết, nhưng mọi chế tài xử phạt dù tăng nặng đến đâu cũng sẽ là vô nghĩa nếu không có hiểu biết, nhận thức và ý thức của con người.
Theo Thu Hà/VOV2