Đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa được xác định tiếp tục là 3 động lực tăng trưởng kinh tế từ nay đến hết năm 2024. Trong đó, tiêu dùng nội địa là động lực trước mắt để bổ sung cho tăng trưởng tháng cuối năm 2023 và lan tỏa đến những tháng đầu năm 2024. Việc mở rộng thị trường quy mô 100 triệu dân là đòn bẩy kinh tế giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Trong đó, về tiêu dùng, cần khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu...
Thực tế 11 tháng đầu năm 2023, trong khi nguồn lực của DN có giới hạn, nhà nước, bộ ngành, địa phương... đã phát huy vai trò hoạch định chính sách, dẫn dắt thị trường, kích thích tổng cầu xã hội. Kết quả 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.667.000 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,0% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%). Bức tranh kinh tế đã xuất hiện những điểm sáng rải rác trong một số lĩnh vực.
Người tiêu dùng vẫn cân nhắc trong mọi quyết định chi tiêu. Ảnh: THANH NHÂN
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến cuối năm 2023 và sang năm 2024, phải quan tâm đến thị trường trong nước như là một lực lượng để bảo đảm cho nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc. Trong đó, cần có những giải pháp đặc biệt để hỗ trợ DN trong nước. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần tạo ra đột phá, cú hích mạnh cho chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo nên khí thế mới, niềm tin mới.
TS Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) - chỉ ra bên cạnh nỗ lực của DN, bài toán tăng trưởng tiêu dùng nội địa, kích thích người dân tiêu tiền trong giai đoạn này là phải kéo giá thành giảm. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là phải kết nối nguồn hàng, vốn vay và các hỗ trợ khác nhằm tạo thuận lợi cho DN giảm giá thành, đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, kích cầu.
"Có thể làm cho thị trường sinh động lên thông qua chiến lược marketing đẩy, tạo thêm kênh cho người dân tiêu xài thông qua các hoạt động lễ hội, hội chợ, triển lãm, hoạt động kinh tế đêm... miễn phí cho DN vào giới thiệu và bán sản phẩm" - ông Hòa nêu ví dụ.
Ông Hòa lưu ý, trong bối cảnh thị trường nước ngoài ảm đạm, thị trường trong nước còn trầm lắng, nếu nhà nước phát ra những tín hiệu ổn định vĩ mô, đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo đơn hàng khởi đầu cho DN trong một số ngành nghề, tạo thu nhập cho người dân thì sẽ kích thích được tiêu dùng của xã hội.
Ở góc độ DN, các DN phản ánh người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, gia tăng mua sắm ở phân khúc bình dân. Các DN đang tập trung vào phân khúc bình dân, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho phân khúc này song song với tạo nhiều sân chơi mới cho người tiêu dùng trải nghiệm, mua sắm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), nêu thực tế kinh tế còn khó khăn, cả người mua hàng lẫn DN đều chưa có sự tự tin dẫn đến chỉ số niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa cải thiện nhiều. Vì vậy, cần thiết có ưu đãi đồng bộ chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu nhà sản xuất, cung cấp, phân phối để DN có thêm nguồn lực thực hiện các chương trình kích cầu, giảm giá sản phẩm. Các ưu đãi này đủ lớn sẽ kích thích người tiêu dùng mạnh dạn chi tiêu hơn, qua đó thúc đẩy hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho rằng về dài hạn cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN tổ chức chương trình khuyến mãi, xúc tiến bán hàng trong nước song song với việc kích hoạt đưa nhanh các nguồn lực vào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh song song với kích hoạt đưa nhanh các nguồn lực vào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
"Gói hỗ trợ giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, 2023, chương trình bình ổn thị trường và các chương trình kích cầu trong thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực, tạo điều kiện cho DN hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Nếu được kéo dài thời gian giảm thuế GTGT, giảm thêm một số loại thuế, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn..., DN sẽ có cơ sở giảm chi phí trong quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa" - bà Lý Kim Chi đề xuất.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch HUBA cho rằng rất cần những quyết sách và chương trình hành động của Chính phủ, bộ ngành trung ương và thành phố nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để tạo sức bật đủ mạnh cho thương mại trong nước.
Liên quan đến lĩnh vực tín dụng, các ngân hàng (NH) thương mại đang đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất thấp để kích cầu tiêu dùng cuối năm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho hay nhu cầu vốn cho sản xuất, phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân tăng cao.
Chỉ riêng chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn năm 2023, doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỉ đồng cho 24 DN. Với lãi suất cho vay thấp, khoảng từ 4% đến 6%/năm đã góp phần trực tiếp hỗ trợ DN giảm giá thành, giữ ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng. Mặt bằng lãi suất thấp hiện nay cũng góp phần hỗ trợ DN, người dân, kích thích nhu cầu vay vốn.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng. Khi du lịch phục hồi nhanh sẽ kích thích các ngành khác phát triển, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Hiện các DN có nhiều giải pháp để du lịch đóng góp cho nền kinh tế phục hồi nhanh và mạnh mẽ hơn.
Mới đây, IPPG - tập đoàn đang hợp tác và kinh doanh với hơn 108 thương hiệu cao cấp của thế giới - đề xuất mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc IPPG, tin tưởng các cửa hàng miễn thuế sẽ giúp phát triển thương mại chất lượng cao, từ đó tác động, cộng hưởng làm tăng các dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, thương mại, vận chuyển... Mô hình này cũng đồng thời là nơi quảng bá sản phẩm địa phương đến thị trường quốc tế, tăng thu du lịch. Ngoài ra, IPPG còn đề xuất mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan. Mô hình này rất thành công trên thế giới, khẳng định được sức hút với du khách quốc tế và nội địa. Các nước trong khu vực đều có các Factory Outlet hiện đại, hấp dẫn như Jeju Premium Outlet (Hàn Quốc), Siam Premimum Outlet (Thái Lan)...
Theo IPPG, nếu outlet của Việt Nam nằm trong khu phi thuế quan sẽ có tính ưu việt và là mô hình đầu tiên trong khu vực có giá bán lẻ giá rẻ, trực tiếp thu hút được lượng khách lớn từ các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực đến mua sắm. "Trong bối cảnh các nước trong khu vực chạy đua quảng bá, ưu đãi để kích cầu du lịch, đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các chính sách đột phá. Cụ thể như chính sách ưu đãi miễn thuế mua hàng cho khách du lịch quốc tế và nội địa trong khu phi thuế quan giúp làm du lịch một cách khác biệt và bứt tốc. Việc này cũng góp phần giảm thiểu việc "chảy máu ngoại tệ" khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm" - bà Thủy Tiên kiến nghị.
T.Phương
Trước đòi hỏi cần cấp bách nhận diện và tìm giải pháp khai thác những động lực quan trọng của nền kinh tế, xuất phát từ trách nhiệm của người làm báo, Báo Người Lao Động - cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP HCM - tổ chức chuỗi DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM 2024 hằng quý. Nội dung của mỗi phiên tập trung nhìn nhận tình hình kinh tế quý trước, đánh giá hiệu quả của những giải pháp đã thực hiện và phân tích những động lực mới.
Phiên đầu tiên của diễn đàn về giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 và khai thác thị trường nội địa để đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 diễn ra vào ngày 19-12 tại trụ sở Báo Người Lao Động.
Theo Báo Người Lao Động