Hầu như tất cả chúng đã đều nghe nói đến vi khuẩn Helicobacter pylori. Chính loại vi khuẩn này trong nhiều trường hợp gây ra bệnh loét dạ dày, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Hầu như tất cả chúng đã đều nghe nói đến vi khuẩn Helicobacter pylori. Chính loại vi khuẩn này trong nhiều trường hợp gây ra bệnh loét dạ dày, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Helicobacter pylori (H. pylori) độc đáo ở chỗ chúng sống và sinh sôi ngay trong lớp nhầy trên bề mặt dạ dày, trong môi trường axit, nơi phần lớn vi khuẩn không thể tồn tại được.
Mặc dù H. pylori lần đầu tiên được phát hiện vào cuối thế kỷ XIX nhưng chỉ đến những năm 1980, 2 nhà khoa học Australia Robin Warren và Barry Marshall mới chứng minh được chúng là tội đồ gây viêm loét dạ dày và nhờ vậy, họ đã được giải thưởng Nobel về y học.
H. pylori là loài vi khuẩn gây bệnh thuộc hàng phổ biến nhất trên thế giới. Theo đánh giá của các nhà khoa học, gần 2/3 dân số thế giới bị lây nhiễm chúng, chủ yếu là qua đường nước bọt và dùng chung bát đĩa.
Các triệu chứng nhiễm khuẩn có thể không bộc lộ trong hàng năm trời, nhưng khi hệ miễn dịch bị suy yếu thì chính những vi khuẩn đó là yếu tố quyết định để bệnh viêm loét dạ dày tiến triển. Việc điều trị phải tiến hành ráo riết, thường là kết hợp một số loại kháng sinh và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm phương pháp điều trị mới.
Trong bài viết công bố trên tạp chí khoa học Journal of Bacteriology, các nhà khoa học ở Đại học quân y Mỹ đã phát hiện một loại protein không những giúp H. pylorithích ứng để tồn tại được trong môi trường axit mà còn tạo điều kiện để chúng hình thành các màng sinh học gồm các quần thể vi khuẩn trong dạ dày người.
Tiêu diệt cả quần thể vi khuẩn khó hơn rất nhiều so với từng vi khuẩn đơn lẻ. Vấn đề là làm sao để phân tách chúng ra để việc điều trị bệnh dễ dàng hơn.
Giáo sư Scott Merrell, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu nói rằng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhận dạng và mô tả được quần thể khuẩn như vậy. Họ đã phát hiện ra 2 gen ArsS và ArsR giúp khuẩn H. pylori thích ứng với môi trường axit. Trong thí nghiệm của mình, họ đã tạo ra được vài chủng H. pylori với các đột biến gen khác nhau.
Điều đáng ngạc nhiên là những chủng khuẩn không có gen ArsS thì sinh sôi nảy nở nhanh hơn và kích thước cũng lớn hơn nhiều so với chủng khuẩn không có gen ArsR.
Các nhà khoa học hy vọng phát hiện này của họ sẽ mở đường cho việc tạo ra những phương pháp mới điều trị và ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của Helicobacter pylori trong dạ dày người và giúp điều trị dứt diểm bệnh loét và ung thư dạ dày.
Theo Trung Hương (Một thế giới)