Ngày ký hợp đồng giao đất cũng là ngày chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Tân mới được thành lập. Đến nay, khu công nghiệp này trải qua 3 đời chủ.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 30 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 11.465ha. Đến nay, đã có 28 khu công nghiệp được thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đất 9.331ha. Tỷ lệ lấp đầy của 28 khu công nghiệp đạt 65%.
Cổng dẫn vào Khu công nghiệp Phú Tân. |
Trái ngược với cảnh ăn nên làm ra của các khu công nghiệp khác, Khu công nghiệp Phú Tân ở phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương lại đìu hiu một cách lạ thường. Khu công nghiệp Phú Tân có diện tích quy hoạch được phê duyệt là 133,3ha, còn diện tích thực tế là 106,6ha.
Có mặt tại Khu công nghiệp Phú Tân vào chiều ngày 18/2, chúng tôi ghi nhận cả khu công nghiệp này chỉ có hai nhà máy đang hoạt động là của Công ty TNHH KA SHEN và Công ty TNHH SUNJIN VINA. Hai nhà máy của các doanh nghiệp này thuê đất với tổng diện tích khoảng 17ha, số còn lại vẫn đang để hoang hóa.
Tại sao hàng loạt khu công nghiệp khác hoạt động hiệu quả còn Khu công nghiệp Phú Tân chỉ có 2 nhà máy vào thuê? Muốn hiểu vấn đề này, chúng ta cần đi tìm hiểu nguồn gốc của khu công nghiệp này.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương thành lập Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương thuộc khu vực phát triển phía Đông-Bắc TP. Thủ Dầu Một với tính chất là trung tâm hành chính, kinh tế và công nghiệp tỉnh Bình Dương.
Theo đề án được duyệt, Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương rộng 4.196,8ha, được phân thành 5 phân khu chức năng, gồm 1.573,4ha đất khu công nghiệp tập trung. Trong đó có Khu công nghiệp Phú Tân rộng 133ha.
Sau đó, Khu công nghiệp Phú Tân được điều chỉnh giảm quy mô từ 133ha xuống còn 107ha, theo công văn số 173/TTg-KTN ngày 28/1/2016 về điều chỉnh các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Quỹ đất tách ra từ Khu công nghiệp Phú Tân là 266.968,7m2 được xác định sử dụng vào mục đích phát triển đô thị và sau này được chủ đầu tư đặt tên là Khu đô thị dịch vụ Hòa Phú.
Theo Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương, việc giao đất cho các nhà đầu tư khu công nghiệp chỉ dựa vào những căn cứ của đề án dự kiến quy hoạch Khu liên hợp và đơn xin giao đất của nhà đầu tư chứ không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không có bảng kê khai tự nhận xét về chấp hành pháp luật đất đai của đơn vị giao đất và các trình tự thủ tục khác là trái với điều 30 về căn cứ giao đất và điều 125 về trình tự thủ tục giao đất được quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
Bên trong Khu công nghiệp Phú Tân, hạ tầng vẫn còn nham nhở. |
Cụ thể, hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” số 04/HĐ ký giữa Ban quản lý Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương và Công ty TNHH Phú Gia ngày 5/8/2004 được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt số 12/PD/UB ngày 17/9/2004 với diện tích 133ha.
Diện tích thực tế theo biên bản đối chiếu hệ tọa độ và bàn giao thực địa là 1.333.561m2. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành quyết định số 5963/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 và quyết định số 334/QĐ-UBND ngày 29/1/2007 về việc giao đất cho Công ty TNHH Phú Gia với tổng diện tích đất được giao 1.332.799,9m2.
Bán vội!
Sau khi được giao đất, Công ty TNHH Phú Gia đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình với tổng giá trị khoảng gần 161,5 tỷ đồng thì có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương xin chuyển toàn bộ dự án do khó khăn về tài chính.
UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn số 485/UB-KTTH về việc chấp thuận cho Công ty TNHH Phú Gia chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp TP.HCM (IMEXCO). Ngày 15/2/2007, hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án số 443/HĐCQSD với giá chuyển nhượng là gần 25 triệu USD. Thương vụ này mang về lợi nhuận ròng cho Công ty TNHH Phú Gia hơn 115 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã tạm xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ việc chuyển nhượng dự án gần 65 tỷ đồng nhưng Công ty TNHH Phú Gia chỉ mới nộp hơn 31 tỷ đồng.
Ngày 23/5/2011, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp TP.HCM (IMEXCO) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu công nghiệp Phú Gia (nay là Khu công nghiệp Phú Tân) cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kinh doanh Địa ốc Việt (R.E.M.A.X) ở quận 5, TP.HCM.
Cụ thể, là chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu công nghiệp Phú Gia ở phường Phú Tân, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với diện tích 133,291ha. Lúc này, Khu công nghiệp Phú Gia đã thực hiện được 78% tiến độ dự án. Giá trị chuyển nhượng thực tế là 450 tỷ đồng.
Đến ngày 17/1/2014, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kinh doanh Địa ốc Việt (R.E.M.A.X) lại bán Khu công nghiệp Phú Gia cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Công nghiệp Nam Kim. Công ty Nam Kim có trụ sở tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Lúc này, người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thanh Kim Thủy.
Theo hợp đồng, Công ty Nam Kim sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu công nghiệp Phú Gia. Tổng mức đầu tư dự án đã đăng ký gần 531 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất 133,291ha. Giá bán Khu công nghiệp Phú Gia là 570 tỷ đồng. Trong đó, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 560 tỷ đồng, giá trị tài sản gắn liền với đất là 10 tỷ đồng.
Cảnh đìu hiu ở Khu công nghiệp Phú Tân. |
Theo dữ liệu của chúng tôi, Công ty Nam Kim có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3702194577, đăng ký lần đầu vào ngày 15/6/2013 tại phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương.
Gần đây nhất, Công ty Nam Kim thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 vào ngày 10/5/2019. Trụ sở chính chuyển về lô TT, Dịch vụ hành chính, Khu công nghiệp Phú Tân, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Vốn điều lệ của Công ty Nam Kim được nâng lên 338 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Nhung, sinh ngày 8/7/1992. Bà Nhung cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Công ty Nam Kim. Dữ liệu của chúng tôi còn cho thấy, bà Nhung là con gái của bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Group.
Sai phạm
Về tay Công ty Nam Kim, Khu công nghiệp Phú Tân cũng mãi chịu cảnh đìu hiu. Thực tế tại Khu công nghiệp Phú Tân cho thấy, đến thời điểm này chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất với tổng diện tích khoảng gần 17ha, số còn lại vẫn đang để hoang hóa.
Không cho thuê được, Công ty Nam Kim dựa vào văn bản số 173/TTg-KTN về việc đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 theo đề nghị của Bộ Kế hoạch Đầu tư để xẻ thịt Khu công nghiệp Phú Tân. Cụ thể, văn bản số 173/TTg-KTN cho phép Khu công nghiệp Phú Tân từ 133ha xuống 107ha, giảm 26ha để làm Khu đô thị Dịch vụ Hòa Phú.
Đáng nói hơn, trong điều khoản thanh toán của hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” số 04/HĐ có ràng buộc giữa đơn giá với thời gian thanh toán tiền. Nhưng trên thực tế, Công ty TNHH Phú Gia không trả tiền đúng như hợp đồng đã ký kết.Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc giao đất cho Công ty TNHH Phú Gia có những dấu hiệu thiếu minh bạch, khi ngày ký kết hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” cũng là ngày thành lập Công ty TNHH Phú Gia, ngày 5/8/2004. Bản thân Công ty TNHH Phú Gia không có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Khi giao đất cho Công ty TNHH Phú Gia, UBND tỉnh Bình Dương không tiến hành thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND tỉnh Bình Dương giao đất cho Công ty TNHH Phú Gia mà chưa thẩm định kỹ năng lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động kinh doanh dẫn đến việc không đủ năng lực tài chính để triển khai thực hiện phải chuyển nhượng dự án thu hợi hàng chục tỷ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội.
UBND tỉnh Bình Dương và các ban ngành có liên quan cho phép chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cho thuê lại đất khi chưa đủ điều kiện cho thuê, nhất là chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung là vi phạm quy định tại điều 110 và điều 111 của Luật Đất đai 2003.
Theo Phụ Nữ Mới