Trong bước đường khởi nghiệp thật khó lường trước được những rủi ro, những tổn thất không mong muốn. Do đó học kinh nghiệm từ những thất bại của người khác là cách để tránh mắc sai lầm cho mình và những nguyên nhân có thể sẽ khiến doanh nghiệp của bạn biến mất sau vài tháng khởi nghiệp kinh doanh.
Những nguyên nhân cơ bản
Nhiều bạn sinh viên khi đang ngồi ghế giảng đường hay đang có công việc đều mong muốn mình sẽ tạo được dấu ấn trong cuộc đời bằng việc mở một shop bán hàng, cơ sở sản xuất hay công ty sau này… nên quyết định đầu tư thành lập công ty khi chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có những kĩ năng như: marketing, sale, tổ chức, lãnh đạo, đối ngoại…Vậy khi chưa có kinh nghiệm và kỹ năng thì đừng nghĩ đến chuyện khởi nghiệp.
Đừng nghĩ rằng “mình ta xây dựng cơ đồ”. Cho dù một người có giỏi đến chừng nào cũng không thể một tay xây dựng lâu đài cho riêng mình được. Một đơn vị khi bắt tay vào xây dựng công ty bao giờ cũng có đội nhóm, một mình không thể vừa làm quản lý hành chính, nhân sự kiêm kế toán tài chính, tiếp tân, bán hàng, thủ quỹ, thủ kho và không thể vượt qua giới hạn thời gian và sức khỏe khi một nữa số giờ trong ngày dành cho việc ăn ngủ, cá nhân.
Khởi nghiệp khi chưa tìm hiểu kĩ về những vấn đề liên quan đến việc kinh doanh như pháp luật, kế toán, các quy trình phân phối, các kênh quảng cáo, xây dựng các mối quan hệ hỗ trợ kinh doanh… thì rất nguy hiểm: kinh doanh là tiền thật chứ không phải trên giấy xé nháp nữa, sai là mất tiền là đồng nghĩa với phá sản.
Bên cạnh đó, khi khởi nghiệp cần chọn sản phẩm có một trong những yếu tố sau đây: nhà cung ứng uy tín, vòng đời sản phẩm lâu dài, nhu cầu cao, tỉ suất lợi nhuận lớn, đôi khi nếu là sản phẩm mang tính chất độc quyền thì cũng là yếu tố tốt. Bởi nếu không có các yếu tố trên, khi kinh doanh sẽ gặp trở ngại do nhu cầu thị trường và người kinh doanh buộc chuyển qua sản phẩm dịch vụ khác và mất đi thời gian đầu tư ban đầu.
Thêm một nguyên nhân khiến doanh nghiệp mới khởi nghiệp thường gặp là không phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức cũng như thị trường ngành, đối thủ cạnh tranh, các sản phẩm dịch vụ thay thế…
Nguyên nhân thất bại cũng thường xãy ra trong chính nội bộ công ty khi bất đồng quan điểm. Khi mới làm thì ai cũng nhiệt huyết nhưng nếu không phải là những người thực sự phù hợp với nhau thì việc mâu thuẫn ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình kinh doanh là điều tất nhiên. Hãy chọn cho công ty những người đồng hành tốt nhất như: coi công việc như niềm đam mê, có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn tốt trong một lĩnh vực nào đó, quan trọng hàng đầu vẫn là người đó phải có đạo đức, vì đó là tương lai của doanh nghiệp….
Điều kiện cần có khi khởi nghiệp
Trước tiên người khởi nghiệp phải là người có óc sáng tạo, biết nhiều kỹ năng như: marketing, sale, tổ chức, lãnh đạo, đối ngoại… để tồn tại thì người khởi nghiệp phải xây dựng chiến lược và phát triển kinh doanh, theo như các nói của nhiều doanh nhân thì phải có “tầm nhìn”.
Khi khởi nghiệp hãy tìm hiểu kĩ về những vấn đề liên quan đến việc kinh doanh như pháp luật, kế toán, các quy trình phân phối, các kênh quảng cáo, xây dựng các mối quan hệ hỗ trợ kinh doanh… song cũng không quên để mắt tới sản phẩm kinh doanh có nằm trong xu hướng thị trường, có vòng đời sản phẩm lâu dài, có nhu cầu cao và tỉ suất lợi nhuận lớn.
Làm việc cần tuân thủ quy trình. Khi làm việc không có quy trình thì mọi thứ đều xáo trộn, mất nhiều thời gian. Hãy học hỏi quy trình, mô hình của những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hoặc đơn giản là những đối tác giỏi hơn mình đề học hỏi, cải tiến các quy trình. Luôn có bạn đồng hành khi khởi nghiệp và làm việc theo đội nhóm để chia sẽ, trao đổi giải quyết các vướng mắc cần tháo gỡ khi công ty gặp phải vấn đề nào đó.
Và điều cơ bản là phải xây dựng kỷ cương trong công ty. Bộ máy tốt là phải có tập thể tốt, tập thể sẽ tốt khi ý thức tập thể tốt. Trong công việc không có kỷ luật mọi thứ sẽ không hoàn hảo được. Những người không có kỉ luật không bao giờ có thể làm việc lớn được…
Nhìn chung, khởi nghiệp khi đã sẵn sàng, có đủ mọi yếu tố, thời cơ chín muồi, không nên cố gắng quá sức của mình, không gượng ép. Hãy coi khởi nghiệp như sinh mạng chính mình để có những bước đi cẩn trọng!
Khởi nghiệp khi đã sẵn sàng, có đủ mọi yếu tố, thời cơ chín muồi, không nên cố gắng quá sức của mình, không gượng ép. Hãy coi khởi nghiệp như sinh mạng chính mình để có những bước đi cẩn trọng.