Theo Thông báo thụ lí vụ án số 58/2019/TB-TLVA ngày 12/3/2019 về “Đòi tài sản“ của TAND TP Vũng Tàu: Ông Lê Ân, đại diện Hội đồng tự xử lí, thanh lí và giải thể Ngân hàng Thương mại cố phần Vũng Tàu (VCSB), trụ sở: 414/27 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 10, TP Vũng Tàu, khởi kiện Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VietcomBank), trụ sở 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (có Chi nhánh số 27 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Vũng Tàu). Lí do: Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương Vũng Tàu cho bán 7 tài sản của VCSB là trái quy định của pháp luật. Phóng viên Báo Ngày mới online, (Báo Người cao tuổi) có cuộc trao đổi với ông Lê Ân xung quanh vụ kiện này.
Phóng viên: Thưa ông, ông yêu cầu Tòa án giải quyết trả lại chủ quyền tài sản cho VCSB, cụ thể là như thế nào?
Ông Lê Ân: Ngày 11/8/1999, VCSB bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt theo Quyết định số 10/1999/QĐ-NHNN3 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Điều 5 thời hạn kiểm soát đặc biệt 12 tháng.
Ông Lê Ân
Tại thời điểm ngày 11/8/1999, Công ty kiểm toán VACO thuộc Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm toán VCSB không mất cân đối, không có nợ xấu, tài khoản có nhiều hơn nợ(!)
VCSB thực hiện nội dung của Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 10/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyến giao dư nợ cho vay và tài sản thế chấp, cầm cố của Ngân hàng TMCP Vũng Tàu cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ngày 25/5/2000, Ngân hàng VCSB bàn giao cho Chi nhánh ngân hàng Ngoại thương Vũng Tàu (VCB-VT) quản lí 7 tài sản, gồm có: Nhà đất số 59 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP Vũng Tàu; Khách sạn - Nhà hàng Karaoke tại số 63 Lê Hồng Phong, phường 8 (nay là phường 3), TP.Vũng Tàu; Biệt thự 41/1C đường Phan Chu Trinh, phường 2, TP.Vũng Tàu; Khách sạn mini tại 60A1-60A2 Lê Hồng Phong, phường 8, TP. Vũng Tàu; Lô đất 10.930 m2 tại số 18A Phước Cơ, Quốc lộ 51, phường 11, TP.Vũng Tàu; Nhà đất số 52/8A và 52/8A1 đường Trần Phú, phường 1, TP.Vũng Tàu; Nhà đất số 34 (mới 26) Trần Phú, phường 1, TP.Vũng Tàu. Các giấy tờ liên quan đến 7 tài sản này được Ngân hàng TMCP Vũng Tàu giao cho VCB-VT, thể hiện tại các Biên bản giao nhận vào ngày 25/5/2000.
Phóng viên: VCB-VT đã tự ý đưa ra bán đấu giá 7 tài sản trên của VCSB là trái với quyết định của Chính phủ và 2 quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tại sao, thưa ông?
Ông Lê Ân: Trước khi VCSB bàn giao cho VCB-VT quản lí 7 tài sản của VCSB, ngày 11/4/2000, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 04/2000/QĐ-NHNN5-TYM với nội dung: “Về việc giao cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tham gia kiểm, soát và xử lí ngân hàng TMCP Vũng Tàu; và tại Điều 1 mục 2 giao Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ra quyết định cử cán bộ tham gia kiểm soát và xử lí Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu.
Như vậy, quyết định của Chính phủ và 2 quyết định của Ngân hàng Nhà nước không có nội dung cho phép VCB-VT tự một mình đưa ra bán đấu giá tài sản của VCSB.
Nhưng ngày 23/6/2003, Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương Vũng Tàu đã ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh BR-VT tiến hành bán đấu giá tài sản của Ngân hàng TMCP Vũng Tàu (trong đó có 7 tài sản trên).
Phóng viên: Xin ông nói rõ việc VCB-VT có vi phạm khi tiến hành cho bán 7 tài sản trên?
Ông Lê Ân: Bán đấu giá 7 tài sản trên của VCSB trong đó có Hội sở VCSB tại số 59 Trần Hưng Đạo, TP Vũng Tàu đang giao dịch chi trả và thu nợ… là vi phạm điều cấm của phát luật, bởi:
Thứ nhất: Các tài sản chưa được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cho phép bán đấu giá;
Thứ hai: Thảnh phần tham dự định giá và bán đấu giá không có sự tham dự của chủ sở hữu tài sản theo quy định tại Chương VII Điều 32 Điều lệ của VCSB đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn y.
Thứ ba: Các khoản nợ của VCSB được Chính phủ cho vay hỗ trợ đặc biệt, miễn trả lãi và không quy định thời hạn trả nợ. Ngân hàng ngoại thương Vũng Tàu chưa có văn bản yêu cầu VCSB trả nợ cho Chính phủ nên Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương Vũng Tàu không có quyền bán đấu giá tài sản.
Thứ tư: Tại Quyết định số 04/2000/QĐ-NHNN5-TYM ngày 11/4/2000 thì Ngân hàng ngoại thương Việt Nam chỉ được tham, gia để giám sát và đảm bảo việc xử lí nợ của ngân hàng VCSB, không được quyền tùy tiện bán đấu giá tài sản của VCSB khi không có sự đồng ý bằng văn bản của VCSB.
Thứ năm: Căn cứ vào Điều 2.8 của Quyết định số 10/1999/QĐ-NHNN3 ngày 11/8/1999, VCSB cũng cố lại bộ máy Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành theo hướng lựa chọn nhân sự đủ điều kiện để bầu lại tại Đại Hội đồng cổ đông. Như vậy, pháp nhân của VCSB vẫn có giá trị pháp lí, không bị tước giấy phép hoạt động.
Phóng viên: Trong đơn khởi kiện, ông yêu cầu tòa án giải quyết những gì?
Ông Lê Ân: Việc tùy tiện bán các tài sản nêu trên gây thiệt hại nghiêm trọng cho VCSB và dẫn đến VCSB không còn trụ sở để hoạt động theo quỵ định tại Điều 2.8 của quyết định số 10/1999/QĐ-NHNN3 ngày 11/8/1999 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn đến chưa giải thể được pháp nhân VCSB, theo chỉ đạo của chính phủ tại Văn bản 492/VPCP-KTTH ngày 10/4/2010.
Nay, để bảo vê quyền và lợi ích hợp pháp cho VCSB, Hội đồng tự xử lí, thanh lí và giải thể - Ngân hàng VCSB yêu cầu Tòa án giải quyết: Tuyên bố vô hiệu do vi phạm pháp luật đối với các giao dịch bán đấu giá 7 tài sản của VCSB nói trên; Buộc Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có trách nhiệm giao trả lại 7 tài sản trên cho Hội đông tự xử lí thanh lí và giải thể pháp nhân VCSB quản lí sử dụng để tổ chức đại hội cổ đông là cơ quan quyền lực của VCSB tuyên bố tự giải thể mới phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ VCSB.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Quang Sơn (ngaymoionline.com.vn)