Nhiều sai phạm tại dự án Công viên Sài Gòn Safari

  • Admin
  • 16-06-2019
  • 471 Lượt xem

Sáng nay, 14/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận Thanh tra toàn diện Dự án Thảo Cầm viên mới tại hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác bồi thường, tái định cư, bố trí tạm cư... đồng thời phát hiện 578 trường hợp đền bù không đúng quy định với số tiền hơn 104 tỷ đồng. 

Nhiều sai phạm tại dự án Công viên Sài Gòn Safari
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác bồi thường, tái định cư, bố trí tạm cư.

Chủ đầu tư không đủ năng lực

Dự án Công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên (Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn) làm chủ đầu tư và có chủ trương xây dựng từ năm 1996. Ban đầu dự kiến xây dựng tại quận 9 nhưng sau đó UBND TP.HCM đã chọn địa điểm xây dựng tại huyện Củ Chi, với mục tiêu trở thành công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loại động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam.

Dự án có diện tích phải thu hồi rất rộng (456,85ha), là dự án trong lĩnh vực văn hóa du lịch nhưng UBND TPHCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định. UBND TP giao cho Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư trong khi đơn vị này không đủ năng lực triển khai thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án chưa triển khai được. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP giai đoạn 2001-2006.

Chi đền bù vượt 104 tỉ đồng

Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau 13 năm kể từ khi UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận chủ trương tuyển chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thì đồ án quy hoạch dự án Sài Gòn Safari mới hoàn thành và được phê duyệt. Theo đó, dự án có 705 hộ dân có đất bị bị thiệt hại do giải phóng mặt bằng.

Theo Quyết định số 2706/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án là hơn 485ha. Sau bồi thường giải tỏa đã có 689 hộ dân nhận tiền bồi thường với diện tích gần 420ha. Hiện nay, còn 16 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, chưa giao đất và còn khiếu nại. Ngoài ra, trên diện tích đất để triển khai dự án hiện có 66 hộ dân tranh thủ trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi.

Thanh tra đã kiểm tra 705 hồ sơ đền bù, thấy có đến 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hằng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn). Tuy nhiên huyện đã áp giá “đất vườn gò tự nhiên trong khu dân cư”, đơn giá 150.000 đồng/m2 - cao gấp đôi đất trồng cây lâu năm đã có hệ số K, không đúng quy định pháp luật thời điểm đó khiến số tiền chi tăng thêm hơn 104,7 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ kết luận việc đưa ra giá đền bù và áp giá đền bù là không đúng quy định "làm phát sinh chi phí đền bù là hơn 104 tỉ đồng đã được chi trả cho dân, chưa phát hiện dấu hiệu vụ lợi nhưng cần phải kiểm điểm nghiêm túc. Trách nhiệm này thuộc UBND TP, Hội đồng thẩm định BTGPMB TP và Hội đồng BTGPMB huyện Củ Chi".

Sai phạm trong thu hồi đất

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra các sai phạm, thiếu sót trong việc quy hoạch, giao đất, thu hồi đất, triển khai dự án này. Cụ thể:

Từ năm 1996, UBND TP HCM đã có chủ trương xây dựng Công viên Thảo cầm viên mới. Lúc đầu, dự kiến xây dựng tại Q.9 nhưng sau đó đổi địa điểm nghiên cứu thực hiện dự án sang huyện Củ Chi.

Ngày 11/6/2004, UBND TP ban hành quyết định số 2706 thu hồi và tạm giao 485,35ha đất tại 2 xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây (Củ Chi) cho Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, xây dựng Khu tái định cư để chuẩn bị thực hiện dự án.

Trong khi phải đến tháng 10/2004 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định số 1060 phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2005.

Thanh tra Chính phủ kết luận, việc làm này "chưa đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định".

Không triển khai được khu tái định cư

Tháng 4/2014, UBND TP.HCM có Quyết định số 2046/QĐ-UBND về giao đất tại xã An Nhơn Tây cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi để xây dựng dự án Hạ tầng khu tái định cư phục vụ cho việc xây dựng dự án Sài Gòn Safari giai đoạn 1, diện tích hơn 18ha. Tuy nhiên, đến nay dự án Xây dựng khu tái định cư vẫn không triển khai được.

Ngoài ra, theo quy định pháp luật thì việc xây dựng khu tái định cư phải làm đồng thời với việc giải phóng mặt bằng, trường hợp chưa có khu tái định cư thì phải di dời người dân đến nơi bố trí tạm cư. Thế nhưng, tại dự án Sài Gòn Safari, các cơ quan chức năng có liên quan lại cho phép người dân tạm cư tại chỗ.

Theo Thanh tra Chính phủ, hậu quả của việc chậm trễ trong xây dựng khu tái định cư và việc không bố trí tạm cư là những lý do mà người dân khiếu nại, chưa chịu bàn giao mặt bằng. Trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi, UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo Cầm Viên

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư. Trong thời gian chưa xây dựng xong khu tái định cư thì UBND TPHCM cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.

Với những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có liên quan; sớm rà soát các thủ tục pháp lý về chủ trương, quy mô, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan đến Dự án Công viên Sài Gòn Safari.

T. Lan (vietnamnet.vn)

https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/nhieu-sai-pham-tai-du-an-cong-vien-sai-gon-safari-541709.html#inner-article


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close