Sau tuần phục hồi tăng điểm, VN-Index đầu phiên 16/10 tiếp tục tăng lên quanh vùng giá 1.156 điểm tương ứng giá trung bình MA20 phiên và chịu áp lực điều chỉnh, áp lực bán sau đó gia tăng mạnh hơn khi VN-Index không giữ được vùng giá thấp nhất tháng 8/2023 quanh vùng 1.149 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh đồng thời với áp lực bán mạnh khá đột biến của khối ngoại trên nhiều mã, nhóm mã, dẫn đến VN-Index kết phiên giao dịch ngày 16/10 giảm 13,31 điểm (-1,15%) về mức 1.141,42 điểm với thanh khoản gia tăng kém tích cực. HNX-Index giảm 2,59 điểm (-1,08%) về mức 236,46 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết nghiêng về tiêu cực với áp lực điều chỉnh áp đảo khi có 501 mã giảm giá (9 mã giảm sàn), 166 mã tăng giá (14 mã tăng trần) và 104 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn đạt 17.458,25 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước, vẫn dưới mức trung bình, thể hiện dòng tiền vẫn đang cải thiện nhẹ, nhưng phân hóa mạnh khi đang trong giai đoạn đón chờ thông tin kết quả kinh doanh quý III/2023.
VN-Index kết phiên giao dịch ngày 16/10 giảm 13,31 điểm (-1,15%) về mức 1.141,42 điểm
Các cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh, hầu hết đều giảm điểm với thanh khoản dưới mức trung bình như: STB (-4,13%), TPB (-2,61%), VIB (-2,58%), BID (-2,00%)... ngoại trừ VPB (+2,51%) tăng giá nhờ thông tin chia cổ tức bằng tiền mặt. Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản gia tăng hơn dưới áp lực bán mạnh của khối ngoại với VND (-4,77%), SSI (-4,32%), FTS (-4,23%), HCM (-3,98%)... ngoài VDS (+3,53%) tăng giá tích cực trước thông tin kết quả kinh doanh quý III tốt. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản dưới mức trung bình sau khi phục hồi ở tuần trước. Trong khí đó, nhóm cổ phiếu vận tải dầu khí, dầu khí vẫn có diễn biến khá tích cực, nổi bật nhất so với thị trường chung, thanh khoản gia tăng mạnh như: VIP (+6,84%), PVP (+3,27%), PDV (+2,73%), PVC (+2,72%) GSP (+2,57%), PVS (+2,01%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật và mặc dù phiên 16/10 VN-Index rung lắc quanh ngưỡng cản nhưng xu hướng hồi phục sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, rủi ro chỉ số quay lại kiểm tra các vùng giá thấp hơn cũng vẫn có thể xảy ra.
Về góc nhìn trung hạn, xu hướng uptrend gần như đã kết thúc và thị trường sẽ vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại, với biên độ dao động rộng nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài. Mặc dù thị trường không còn xu hướng uptrend nhưng vận động thị trường trong trung hạn vẫn mang tính chất tích cực bởi nền gốc và quá trình hình thành xu hướng uptrend trước đây là tin cậy, thị trường có thể sẽ hình thành vùng tích lũy trong khu vực 1.150 điểm - 1.250 điểm.
“Uptrend trung hạn đã xác nhận kết thúc, thị trường cần vận động chặt chẽ lại để hình thành nền mới, trong giai đoạn này thị trường sẽ hình thành các nhịp tăng, giảm đan xen để hướng tới đi ngang chặt chẽ dần. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục có tỷ trọng thấp trong giai đoạn hiện tại và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường. Với nhà đầu tư trung, dài hạn thì thị trường vẫn đã được xác nhận là qua đáy downtrend tại 950 điểm, mặc dù hiện tại xu hướng uptrend kết thúc nhưng khả năng cao thị trường sẽ đi vào vùng tích lũy lại, do đó, nhà đầu tư dài hạn không cần quá lo ngại, nếu cơ cấu tốt từ đầu sóng thì hiện tại danh mục trung - dài hạn vẫn vận hành hiệu quả và an toàn, nhà đầu tư trung dài hạn hoàn toàn có thể chờ cơ hội giải ngân thêm khi thị trường tích lũy ổn định trở lại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), áp lực từ khối ngoại gia tăng khi tỷ giá diễn biến không thuận lợi trong phiên 16/10 khiến phần lớn các nhà đầu tư duy trì tâm lý thận trọng. ASEANSC cho rằng, VN-Index cần thêm thời gian tích lũy trong bối cảnh hiện tại và nhịp điều chỉnh ngắn hạn này có thể kéo dài trong một vài phiên tới.
VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.130 – 1.135 điểm (Ảnh minh họa: KT)
“VN-Index có thể cần kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.130 – 1.140 điểm trong thời gian tới nhằm chờ đợi những tin tức tin mới về kết quả kinh doanh quý 3 các nhóm ngành lớn. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình (50%) và hạn chế bán tháo trong những phiên thị trường điều chỉnh”, chuyên gia của ASEANSC nhận định.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục nhịp giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.130 – 1.135 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 17/10. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên thanh khoản vẫn có thể duy trì ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu dầu khí. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ, nhưng cơ bản là các nhà đầu tư đã dần tỏ ra tích cực hơn so với giai đoạn đầu tháng 10/2023.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu hiện tại và vẫn có thể mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN