Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong kỳ họp diễn ra từ ngày 16 đến 18/11/2017 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Rất nhiều ý kiến thắc mắc của đại biểu cũng như của nhân dân đã được Chính phủ và các cơ quan tư pháp giải đáp. Trong đó có nhiều vấn để nóng, về chất lượng xét xử của ngành Tòa án nhân dân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân tối cao"
Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu cho rằng, tỉ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm còn thấp, mới chỉ được 40% so với nhu cầu trong số hơn 18 nghìn đơn của năm 2017.
Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Dương Thanh Biểu chia sẻ: “Đây là vấn đề vừa rồi đại biểu quốc hội hỏi rất nhiều, hiện nay như Chánh án tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói là số án đề nghị kháng nghị, tái thẩm và giám đốc thẩm tăng 15%, còn số án tăng 8%, rất là lớn. Nhưng mà giải quyết án, tuy rằng tòa án có nhiều giải pháp, như tăng cường cán bộ, biệt phái, thế nhưng mới giải quyết được 40%. Theo tôi nói giải quyết chậm là đúng”.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Dương Thanh Biểu lý giải: “Cái thứ nhất là theo luật, theo điều 278 bộ luật tố tụng hình sự, thì khiếu nại giám đốc thẩm và tái thẩm, được giải quyết trong 1 năm. Nếu mà khiếu nại đó có lợi cho người bị kết án, thì bất cứ lúc nào. Như vậy bây giờ nói thế nào là chậm được? Về dân sự thì theo điều 334 quy định, là đối với các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện từ 3 cho đến 5 năm. Vậy thì 3 đến 5 năm đấy, chúng ta đánh giá thế nào là chậm. Rất là khó”.
“Cái thứ 2, như chánh án Nguyễn Hòa Bình nói là do nhiệm vụ của chánh án và viện trưởng cấp tỉnh không giải quyết án giám đốc thẩm và tái thẩm nữa, dồn lại cho viện kiểm sát và tòa án cấp cao, cho nên cái số đơn hằng năm tăng lên 15%. Trong đó, cán bộ, nhất là thẩm phán và kiểm sát viên rồi kiểm tra viên và thẩm tra viên là có hạn chế, kể cả trình độ, năng lực và kể cả số người. Bên viện kiểm sát nói là hiện nay mới giải quyết được 50%, cho nên chúng tôi thấy đây là vấn đề vừa cả khách quan, vừa cả chủ quan. Kể cả viện kiểm sát, kể cả tòa án phải cố gằng hơn nữa thì mới đáp ứng được”, ông nói tiếp.
Vấn đề được nhiều người quan tâm, là một số vụ án tòa án trả tới trả lui nhiều lần. Về vấn đề này, ông cho biết: “Về số án trả đi trả lại nhiều lần, như chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời tôi hoàn toàn đồng ý. Chất lượng vẫn là do điều tra truy tố xét xử từ ban đầu. Nếu ban đầu chúng ta làm tốt từ giai đoạn điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm thì đến giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm nó sẽ rất tốt. Vì bản án không tâm phục khẩu phục nên người ta phải khiếu nại. Cho nên, nói tóm lại là do chất lượng điều tra tuy tố xét hỏi từ khâu sơ thẩm, chúng ta làm yếu nên mới phát sinh các vấn đề về sau”.
Về chất lượng công tác xét xử ở các địa phương còn nhiều hạn chế, theo chánh án tòa án tối cao Nguyễn Hòa Bình là do trình độ. Về vấn đề này, ông cho biết: “Tôi thấy rằng về ý kiến của Chánh án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thẩm phán, ở địa phương để tăng cường chất lượng cho phiên tòa xét xử sơ thẩm theo tôi là đúng. Tuy nhiên, có mấy vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán. Đối với các bản án về dân sự, có người nói có vụ hủy tới 7 lần, là có lý do của nó. Bởi vì thẩm phán khi xét xử về dân sự, thì với nguyên tắc là cốt ở 2 bên. Sơ thẩm thế này nhưng đến phúc thẩm và giám đốc thẩm người ta thay đổi ý kiến, thì lúc đó đành phải hủy để điều tra lại, xét xử lại. Có nhiều vụ hủy 7, 8 lần là có”.
Nhằm hạn chế việc tòa trả đi trả lại nhiều lần một vụ án, quy định mới trong 2018 tòa sẽ được trả 2 lần, tuy nhiên nếu vẫn không đủ chứng cứ thì buộc phải tuyên là không đủ yếu tố kết tội, chứ không được trả đi trả lại quá nhiều lần. “Tôi thấy đây là bước tiến rất tốt. Nó hạn chế việc mà mình trả đi trả lại, đồng thời làm tăng trách nhiệm của các cấp khi tiến hành điều tra truy tố xét xử”.
Thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ án oan sai, mới đây nhât là vụ án an giết chồng ở Tuần Giáo, Điện Biên. Về vấn đề này, ông lý giải: “Trước đây, chúng ta thường tư duy theo lối suy luận có tội. Tức là công an đã điều tra kết luận, thì VKS phải truy tố, ra tòa án xét xử có tội. Đấy là suy luận buộc tội. Nhưng bây giờ hoàn toàn khác. Hiến pháp và luật tố tụng quy định, là phải trên nguyên tắc tranh tụng và suy luận vô tội. Cho nên trường hợp ở Tuần Giáo cũng là một trong những trường hợp ấy. Tức là anh không đủ chứng cứ vẫn kết tội người ta. Ngoài ra vụ Huỳnh Văn Nén, vụ Thanh Chấn, không có tội nhưng vẫn kết tội. Cho nên với quy định mới hiện nay rất là tốt. Chúng ta phải có tư tưởng đấu tranh, xét xử công khai, minh bạch để xem người ta có tội hay không, khi đó mới tuyên án được. Nếu thực hiện được cái này thì đúng là hồng phúc cho chúng ta”.
Về chất lượng của điều tra truy tố, hay về đạo đức công vụ, của những người thực thi công tác xét xử như một số đại biểu đã đề cập, ông cho biết: “Trong năm vừa rồi, tòa án tối cao đã tổ chức 50 đoàn kiểm tra, các kế toán cấp cao, viện tối cao cũng tổ chức rất nhiều đoàn để tổ chức kiểm tra, thanh tra. Đã có 199 thẩm phán phải dừng không được bổ nhiệm nữa, 144 người không được xét xử nữa, bởi vì có nhiều cái sai. Kỷ luật 17 công chức của tòa án, có người phải đuổi việc, 1 viện trưởng bị cách chức, 5 viện trưởng cấp huyện bị kỷ luật. Tôi tin rằng đây không chỉ là bước đầu, mà chúng ta sẽ làm tiếp để làm sao cho đội ngũ cán bộ, kiểm tra viên, kiểm sát viên…phải hết sức trung thực trong vấn đề thực thi công vụ”.
Theo Hàn Sơn (vanhien.vn)