Phải gửi tiền trực tiếp tại quầy
Đây là quy chế về tiền gửi, được quy định rõ tại các ngân hàng. Nhưng để cạnh tranh và thu hút khách đến gửi số tiền lớn, nhiều ngân hàng cho phép khách hàng VIP không đến quầy, chi nhánh để giao dịch mà được phép ủy quyền cho người khác hoặc ủy quyền cho cán bộ ngân hàng là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng thay thế họ thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền...
Việc này vô cùng nguy hiểm, bởi trong trường hợp nhân viên ngân hàng không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống hay không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch nhân viên ngân hàng tráo hồ sơ dẫn đến khách hàng bị mất tiền oan.
Vì vậy, đến trực tiếp ngân hàng để mở sổ tiết kiệm là cách đảm bảo nhất. Thêm nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra.
Không ký sẵn chứng từ
Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng. Bởi tất cả mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên ngân hàng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.
Với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau.
Khách gửi tiết kiệm cần cẩn thận để tránh mất tiền oan (Ảnh minh họa: Nam Khánh)
Không gửi tiền trước, nhận sổ sau
Nhiều khách hàng quen làm việc với một nhân viên ngân hàng nào đó. Họ dễ tính đến mức cho ‘nợ sổ’ hoặc ‘nợ chứng từ’.
Nhưng nếu nhân viên đó nghỉ việc hoặc bỏ trốn và mang theo luôn số tiền của khách hàng, khi ấy không có gì chứng minh đó là tiền của mình, người gửi sẽ rất thiệt thòi.
Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận
Sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận.
Khi mất sổ tiết kiệm, phải thông báo ngay cho ngân hàng. Trong vòng 24 giờ sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu không, kẻ gian có thể giả mạo chữ ký và các giấy tờ tuỳ thân thì khách hàng sẽ chịu thiệt về số tiền gửi của mình.
Không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm vì họ có thể giả chữ ký, giấy chứng minh nhân dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của khách hàng.
Kiểm tra kỹ sổ tiết kiệm
Sau khi nhận sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi, khách hàng cần lưu ý kiểm tra kỹ các thông tin: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền)…
Bởi khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc là sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.
Không thay đổi chữ ký
Khi ký bất kỳ giao dịch nào với ngân hàng cũng nên chú ý từng nét chữ phải giống nhau, không nên ký mỗi giấy tờ một kiểu kẻo khó trong việc rút, nhận tiền; đôi khi sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chứng minh sổ tiết kiệm đó là của mình.
Vì vậy, việc duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng là điều cần thiết nhằm giúp khách hàng thuận tiện và nhanh chóng khi gửi hay rút, chuyển tiền từ tài khoản của mình.
Lưu ý khi gửi tiết kiệm online
Hiện nay, ngoài mở sổ tiết kiệm trực tiếp tại ngân hàng, người dân có thể gửi tiết kiệm online. Hình thức này được nhiều người lựa chọn vì thủ tục nhanh chóng, lãi suất hấp dẫn. Người dân có thể thực hiện giao dịch gửi tiền, tất toán, tái tục, kiểm tra thông tin tiền gửi, lãi suất tiền gửi nhanh chóng.
Tuy nhiên, khi giao dịch trực tuyến, khách hàng cũng cần hết sức cẩn trọng. Nếu thấy đường link lạ, khách hàng đừng nhấp vào. Bởi việc làm này có thể dẫn đến truy cập vào tài khoản ngân hàng của bạn và rút hết số tiền hiện có.
Tuyệt đối không để lộ thông tin, tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào sổ tiết kiệm online, tránh kẻ gian lợi dụng.
Không nhờ người khác giao dịch hộ trên tài khoản tiết kiệm online; luôn thoát tài khoản sau mỗi lần sử dụng. Nên đổi mật khẩu thường xuyên, cài đặt bảo mật nhiều lớp. Chú ý kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi thường xuyên nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết.
Liên quan đến vụ khách hàng tố bị mất tiền tiết kiệm đang gây xôn xao dư luận, ngày 17/3, Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phát thông cáo báo chí liên quan đến khách hàng Hồ Thị Thuỳ Dương (46 tuổi, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) có khoản tiền 46,9 tỷ đồng gửi tại Phòng giao dịch ngân hàng Sacombank TP Cam Ranh bị mất.
Trong đơn tố cáo trước đó, bà Dương cho biết, tháng 5/2022, bà phát hiện tài khoản của mình bị mất. Kết quả sao kê cho thấy, tài khoản của bà Dương có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt, 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.
Theo bà Dương, các giao dịch đều diễn ra trong thời gian 18-21h (ngoài giờ hành chính) và bà không thực hiện các giao dịch trên, cũng không ủy quyền cho ai thực hiện các giao dịch.
Phía Ngân hàng Sacombank cho rằng, bà Dương cung cấp thông tin một chiều, chưa đầy đủ và phản ánh không đúng bản chất sự việc. Ngân hàng kiểm tra hồ sơ, phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ nhân viên Phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm.
Đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có phiếu chuyển đơn của bà Dương đến Công an tỉnh Khánh Hòa để điều tra. Cục Cảnh sát hình sự cũng có văn bản về việc chuyển đơn của bà Dương đến giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa xem xét, giải quyết.
Theo Vietnamnet