Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục khuyến cáo về các hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trong thời gian gần đây.
Các hình thức lừa đảo sẽ diễn biến theo hoạt động hàng ngày của mọi người, nên đa dạng và có những chiêu lừa đảo cũ theo hình thức mới, nhưng vẫn dẫn dụ được thêm nhiều nạn nhân. Chưa kể, các đối tượng lừa đảo còn tinh vi hơn khi tự lập nên các nhóm mạo danh công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị mất... Cứ như vậy, chuỗi lừa đảo đeo bám nạn nhân, khiến nạn nhân rơi vào vòng luẩn quẩn của việc mất tiền.
Thủ đoạn đầu tư tài chính lừa đảo trên mạng hoàn toàn không mới, nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng, Công an Thành phố Hà Nội nhận được hàng loạt trình báo của nạn nhân bị mất tiền, cá biệt có 1 nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tới 57 tỷ đồng. Hầu hết các đối tượng lừa đảo lập nhóm liên lạc với nạn nhân bằng các ứng dụng nhắn tin, chat, để tạo lòng tin cho nạn nhân. Khi rất nhiều đối tượng đóng vai là người đầu tư cùng chia sẻ hình ảnh số tiền lãi trong tài khoản tăng lên hàng trăm triệu đồng... thì đa phần các nạn nhân trong nhóm đều sập bẫy. Các hình thức lừa đảo để dẫn dụ nạn nhân tham gia đầu tư tài chính online đang biến tướng khá đa dạng, từ mời gọi kinh doanh đa cấp bằng tiền ảo, tiền mã hóa, cho đến lừa đảo bằng cách huy động đầu tư trên các sàn giao dịch ngoại hối, mời chào quảng cáo đầu tư, mua bán hàng hóa ảo…:
"Tôi nhận được các tin quảng cáo, ví dụ như tôi đang chơi trò chơi này, một tháng tôi kiếm được 30-40 triệu, bạn có muốn thử sức không? Nam: Tôi được mời tham gia các ứng dụng kiếm tiền online, từ nuôi bò ấp trứng, đến đầu tư một ít tiền kiếm lãi hàng ngày. Nữ: Lâu nay thì tôi nhận được rất nhiều tư vấn, bất động sản, bảo hiểm, chào mời chứng khoán, không biết vì sao họ lại có thông tin của mình, từ số điện thoại, email… Nam: Tôi cũng từng nhận được cuộc gọi mà người ta xưng danh là cơ quan điều tra tội phạm, yêu cầu tôi phải chuyển số tiền đang gửi tiết kiệm. Nữ: Tôi đã bị một facebook giả danh vào xin tiền điện thoại"
Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các hình thức lừa đảo diễn ra hàng ngày, hàng giờ và luôn tăng nhanh khi gần đến các Ngày Lễ. Ví dụ, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8 tháng 3) vừa qua, nhiều người dùng đã nhận được bưu phẩm có thông báo trúng thưởng khi quét mã QR. Nếu thực hiện theo, người dùng sẽ được dẫn tới một đường link yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, để hoàn thành các thủ tục nhận thưởng. Người dùng có thể bị chiếm đoạt thông tin cá nhân, tiền phí nhận thưởng khi làm theo các thủ tục đó.
Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - phân tích: "Tất cả các đối tượng tấn công dẫn dụ người dùng làm sao để cài một phần mềm độc hại lên máy tính, hay thiết bị di động. Thứ 2 là làm sao để lừa chúng ta click vào các đường link, để lừa được người dùng gửi những mã OTP hay là mã xác thực để chuyển tiền. Hình thức thứ 3 là dẫn dụ người dùng chuyển khoản qua những tài khoản. Bản chất là đi tới câu chuyện là sẽ đi lừa đảo về mặt tài chính. Thống kê thì tất cả lừa đảo trực tuyến đều đi tới mục tiêu cuối cùng là chuyển tiền.
Giải ngân nhanh chóng, chi phí thanh toán sau khi nhận được tiền, liên hệ ngay đến fanpage của công ty chúng tôi, để được hỗ trợ uy tín, nhanh gọn, bảo mật…) Sau khi dẫn dụ nạn nhân tham gia một hình thức đầu tư tài chính nào đó, dẫn đến bị mất tiền, thì các đối tượng còn tinh vi hơn: Đó là các đối tượng gửi cho nạn nhân một số đường link quảng cáo về các nhóm hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa qua mạng. Nếu tìm kiếm trên facebook cũng có thể thấy rất nhiều nhóm mạo danh công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị lừa. Không chỉ thành lập các nhóm trên mạng xã hội, với tên gọi như “Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo”, “Hỗ trợ thu hồi tiền treo online”, “Công ty luật - Chuyên Tư vấn thu hồi lại tiền bị lừa”, “Công ty Luật sư – Hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa qua mạng”… mà các clip, video có cả hình ảnh 1 luật sư nào đó chia sẻ về cách hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa cũng được phát tán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là một chiêu lừa đảo mới đang nở rộ thời gian gần đây, khiến nhiều nạn nhân tiếp tục bị mất tiền khi chuyển phí, hoặc thông tin cá nhân cho các luật sư giả mạo. Không ít luật sư đã phải làm các clip cảnh báo trên facebook của mình, để nạn nhân không thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng mạo danh.
Luật sư Tạ Văn Phú, Công ty luật Ánh Sáng Việt - chia sẻ: "Tôi phải làm cái video này để cảnh báo đến quý vị và các bạn: Nếu có bất kỳ một luật sư hay Công ty luật, Văn phòng luật cung cấp dịch vụ pháp lý cho bạn, thì các bạn phải đến trụ sở, để gặp trực tiếp các luật sư và thực hiện theo trình tự giấy tờ, thì đó mới là cung cấp dịch vụ chính thống. Hoặc chúng tôi có tư vấn online trên mạng, thì đó là dịch vụ tư vấn miễn phí. Những người đã bị lừa trên mạng hay là có các vụ việc đang tranh chấp xảy ra, thì không có văn phòng luật sư nào hay Công ty luật nào có thể cung cấp dịch vụ online mà có thể lấy được tiền trong những dịch vụ lừa đảo mà đã bị lừa đảo trước đó. Khi các bạn đã bị lừa đảo, thì phải tìm đến cơ quan công an, để giải quyết vụ việc đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Chỉ có cơ quan điều tra, cơ quan công an mới có thẩm quyền đế điều tra, xác minh, đấu tranh phòng chống tội phạm; còn các văn phòng luật không làm được điều đó".
Theo Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, hơn 90% các vụ lừa đảo trực tuyến không thể lấy lại được tiền đã bị lừa, nên bất cứ khi nào nạn nhân được mời chào để lấy lại tiền đã bị lừa thì đều đang rơi vào một bẫy lừa đảo khác. Do đó, trong bất cứ trường hợp bị lừa đảo trực tuyến nào, nạn nhân cần trình báo với cơ quan công an. Ngoài ra, khi tham gia các mạng xã hội, các hội nhóm không quen biết, thì cần quan tâm bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, thẻ visa, master card,…. Bộ Thông tin và Truyền thông đang tăng cường thêm giải pháp đăng kí thông tin thuê bao chính chủ, để hạn chế được các vụ lừa đảo trực tuyến qua điện thoại. Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: "Hiện nay 127 triệu thuê bao đã được chuẩn hóa thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư. Đây cũng là một nỗ lực của các nhà mạng. Thế những mà chuẩn hóa xong rồi, thì việc sử dụng các thuê bao này, chúng ta vẫn thấy phát sinh các cuộc gọi rác, các hiện tượng lừa đảo. Do đó, chúng tôi đang hướng tới mục tiêu mới hơn, đó là thông tin thuê bao chính chủ. Việc làm thuê bao chính chủ cũng cần có hành lang pháp lý. Các nhà mạng tiếp tục phát triển thuê bao của mình, thế nhưng mà đảm bảo thông tin phải là chính xác và tiến tới là chính chủ. Khi chính chủ được thì các hành vi lợi dụng dịch vụ viễn thông, để làm hành vi trái pháp luật thì sẽ được ngăn chặn, góp phần làm cho dịch vụ điện thoại di động được sử dụng đúng mục đích"
Chủ động nâng cao các kỹ năng phòng tránh lừa đảo trên môi trường mạng sẽ không chỉ xuất phát từ phía người sử dụng, mà theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường vào cuộc, để mỗi người đều có thể tìm kiếm được nguồn thông tin chính xác trên môi trường mạng. Chuẩn hóa thông tin thuê bao, thống nhất số điện thoại chính chủ với tài khoản ngân hàng, tiến tới đăng kí tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại chính chủ sẽ là những giải pháp minh bạch thông tin người dùng, có thể điều tra số tài khoản nhận tiền lừa đảo nhanh hơn, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến.