Trong phiên điều hành hôm nay 11/1, giá xăng dầu được dự báo quay đầu tăng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.
Cụ thể, theo TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc, giá xăng có khả năng tăng khoảng 100 đồng/lít, dầu tăng 200 - 300 đồng/lít,kg tuỳ loại.
Trong khi đó, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty xăng dầu Phương Nam đưa ra dự báo giá xăng có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ 50 - 60 đồng/lít, giá dầu tầu tăng khoảng 200 đồng/lít,kg.
Cũng theo ông Phương, nếu cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn thì giá sẽ tăng mạnh hơn, còn nếu cơ quan chi quỹ thì giá sẽ tăng ít hơn hoặc giữ nguyên mức giá cũ.
Giá xăng hôm nay có thể tăng nhẹ. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)
Trước đó, vào ngày 4/1, giá xăng E5 RON92 giảm 180 đồng/lít, về mức 21.006 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 232 đồng/lít, không cao hơn 21.916 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 420 đồng/lít, không cao hơn 19.368 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, không cao hơn 19.957 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 190 đồng/kg, không cao hơn 15.495 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa. Đồng thời chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut với mức 300 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay giá xăng đã trải qua 39 lần điều chỉnh, trong đó có 21 lần tăng, 15 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h ngày 11/1, giá dầu Brent giao dịch ở mức 76,8 USD/thùng, tăng 0,79 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua, trong khi đó dầu WTI giao dịch mức 71,37 USD/thùng, tăng 0,87 USD/thùng.
Giá dầu đi lên sau báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, qua đó thúc đẩy niềm tin về nhu cầu khởi sắc.
Dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ giảm khoảng 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/1. Trước đó, các nhà phân tích ước tính sản lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ sẽ tăng 500.000 thùng.
Cùng với đó, lo ngại thiếu hụt nguồn cung ở Libya và căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông cũng hỗ trợ giá dầu. Giá dầu được nâng đỡ từ việc đóng cửa mỏ dầu Sharara có công suất 300.000 thùng/ngày. Đây là một trong những mỏ dầu lớn nhất Libya.
Bên cạnh đó, một số công ty vận tải biển lớn vẫn đang tránh đi qua Biển Đỏ sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm đáp trả cuộc chiến của Israel chống lại Hamas.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các địa phương góp ý để xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết, theo thông báo số 172 ngày 14/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý II/2024.
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Công thương đề nghị các Sở Công thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Từ đó, góp ý, đề xuất nội dung mới nhằm xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ trước ngày 12/1/2024 để Bộ tổng hợp, triển khai xây dựng nghị định mới.
Trước đó không lâu, ngày 17/11/2023, Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu được ban hành. Như vậy, Nghị định 80 vừa được ban hành cách đây hơn 1 tháng cũng sẽ được xem xét để thay thế.
THEO PHẠM DUY (VTC)