Bộ Tài chính có Tờ trình Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10%. Cơ sở kinh doanh khi xuất hóa đơn sẽ được giảm 20% mức tỉ lệ phần trăm để tính thuế. Chính sách này dự kiến áp dụng đến hết năm 2023. Liên quan đến việc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội theo thủ tục rút gọn. Bộ này xây dựng hồ sơ, báo cáo Chính phủ trước ngày 25-4.
Nhu cầu cấp bách
Đánh giá nhu cầu giảm thuế GTGT hiện nay là rất cấp bách, luật sư Phạm Ngọc Hưng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA), Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng - cho rằng chính sách này cần được áp dụng càng sớm càng tốt. Lý do là sức mua ở các thị trường xuất khẩu chủ lực sụt giảm, ở thị trường nội địa cũng không khả quan hơn, vì vậy nếu Chính phủ có chính sách giảm thuế GTGT để kích cầu thì nên triển khai ngay, không nên để lâu. DN đã có kinh nghiệm đối với việc giảm thuế này nên sẽ triển khai thuận lợi hơn so với năm 2022. "Rất nhiều DN đã gặp khó khăn từ quý IV/2022 đến nay, số DN phải rời thị trường tăng mạnh trong quý I/2023, nhiều DN đang "chết lâm sàng" nên những giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm, nên càng triển khai sớm càng tốt" - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, giải pháp kích cầu hiệu quả nhất là làm sao cho người dân tăng thu nhập để tiêu xài. Trong đó, giải ngân đầu tư công, gỡ vướng thị trường bất động sản… cần phải quyết liệt thực hiện để kích cầu. Bên cạnh đó, phải kìm hãm lạm phát từ nay đến cuối năm. "Từ 1-7, Chính phủ sẽ tăng lương cơ bản, BHXH, tiền hưu trí… đó đều là những yếu tố có thể thúc đẩy sức mua nhưng trong trường hợp đến thời điểm đó lạm phát gia tăng, đồng tiền trượt giá thì sẽ làm giảm hoặc không có hiệu quả kích cầu. Tóm lại, vẫn cần thiết triển khai sớm việc giảm 2% thuế GTGT trước thời hạn 1-7 để chính sách phát huy tối đa hiệu quả" - ông Hưng phân tích.
Giảm thuế GTGT được xem là giải pháp kích cầu hiệu quả nhất hiện nay, giúp kéo giảm giá hàng hóa, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân Ảnh: TẤN THẠNH
Ở góc độ nhà sản xuất, một số DN nêu thực tế đợt giảm 2% thuế GTGT trong năm 2022 tuy có giúp giảm chi phí mua hàng cho người tiêu dùng nhưng không có tác dụng đáng kể trong việc thúc đẩy sức mua. Cốt lõi nhất của chính sách này là cho thấy sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của nhà nước với người dân. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, phản ánh hiện tại sức mua quá kém, hầu hết DN áp dụng khuyến mãi, giảm giá sản phẩm, thậm chí chấp nhận bán bằng hoặc dưới giá thành để đẩy hàng ra thị trường; Chính phủ thì giảm thuế, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… nhằm cải thiện sức mua. Tuy nhiên, tất cả chỉ là giải pháp tức thời, ngắn hạn. "Nhiều DN thiếu đơn hàng, thiếu vốn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… buộc phải cắt giảm lao động, dẫn đến người dân cắt giảm chi tiêu. Do đó, rất cần nhà nước có giải pháp căn cơ nhằm giúp DN hoạt động trở lại, ngân hàng giải ngân cho vay, gỡ vướng thủ tục đất đai…" - ông Vũ đề xuất.
Cần thực hiện ngay
Hoàn toàn đồng tình với chủ trương giảm thuế GTGT, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng chính sách hỗ trợ này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Theo ông Long, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc tiếp tục giảm thuế GTGT sẽ là "liều thuốc" quan trọng trong bối cảnh hiện nay để mang đến những gam màu sáng cho bức tranh kinh tế nói chung.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dẫn chứng chính sách giảm thuế GTGT triển khai trong năm 2022 đã được đánh giá là có hiệu quả cao, tác động ngay đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và mức tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, người dân sẽ nhận thấy rõ sự tác động của chính sách khi số tiền giảm hiện rõ trên hóa đơn mua hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, ông Long đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc, sớm hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền thông qua (Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội), áp dụng càng sớm thì càng có nhiều ý nghĩa. Hiện nay gần hết tháng 4, nếu chờ đến đầu tháng 7-2023 mới áp dụng như đề xuất của cơ quan soạn thảo sẽ khá muộn, trong khi các chính sách có hiệu quả như giảm thuế GTGT cần được thực hiện ngay để tác động đến nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng Ban Chính sách, Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM, cũng mong muốn Bộ Tài chính khẩn trương tính toán, báo cáo và tham mưu cho Chính phủ sớm hoàn thiện tờ trình giảm thuế GTGT để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, thạc sĩ - luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa, cho biết các chính sách về thuế thường được áp dụng vào thời điểm đầu năm hoặc giữa năm để nhà nước sắp xếp, cân đối nguồn thu ngân sách. Do đó, các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm cần nỗ lực hoàn thiện phương án giảm thuế GTGT để chính sách này sớm trở thành hiện thực, góp phần kích thích tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Miễn thuế GTGT cho DN xuất khẩu cao su?
Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hội - hiệp hội DN diễn ra ở TP HCM chiều 19-4, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết ngành cao su Việt Nam mỗi năm xuất khẩu khoảng 10 tỉ USD, chủ yếu là xuất siêu nhưng vướng mắc lớn nhất của ngành hiện nay là vấn đề hoàn thuế GTGT. Khi thuế GTGT chậm hoàn, DN bị chôn vốn, gây áp lực rất lớn. "Quan điểm của chúng tôi là ngành cao su có thể không cần phải tạm đóng thuế GTGT khi xuất khẩu để không cần phải thủ tục hoàn thuế hoặc bị một số DN lợi dụng khiến các DN chân chính bị ảnh hưởng" - Chủ tịch VRA nói.
Tại buổi giao ban, nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm này bởi nếu công tác tổ chức thực hiện tạm thu thuế GTGT sau đó hoàn thuế GTGT phức tạp và tốn kém có thể miễn đóng thuế GTGT từ đầu cho DN xuất khẩu.
Ng.Ánh
Thanh Nhân - Minh Chiến - Thy Thơ
Nguồn: Báo Người lao động