TP.HCM nhận thức rằng sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nữa nên đã chuyển hướng kiến tạo một hành trình mới- Hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn một tương lai bền vững.
TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung Chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khung chiến lược xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; đồng thời thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột là: nguồn lực xanh, hạ tầng xanh, hành vi xanh, ngành/ lĩnh vực tiên phong.
Trước năm 2020, thị trường và các nhãn hàng quốc tế quan tâm chủ yếu đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm. Còn hiện nay, thị trường và các nhãn hàng yêu cầu phải kiểm soát được dòng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về xanh, bền vững.
Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia và có hiệu lực cũng có những yêu cầu về tăng trưởng xanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải cân bằng được cả ba yếu tố: phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. “Xanh hóa” sản phẩm là xu thế tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng để tồn tại và tiếp tục có mặt ở thị trường thế giới.
Công ty Cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên tại huyện Bình Chánh, TP.HCM chuyên xuất khẩu các mặt hàng mật ong, tinh bột nghệ và sản phẩm nông nghiệp chế biến. Mỗi tháng doanh nghiệp này xuất khẩu hơn 2 container sản phẩm sang 12 nước ở châu Á và Mỹ.
Khoảng 80%-90% các công đoạn sản xuất của Công ty Giấy Xuân Mai, KCN Hiệp Phước đã đạt tiêu chuẩn xanh hóa (Ảnh: NQ)
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, nếu như trước đây, chỉ có thị trường Mỹ đòi khỏi khắt khe các tiêu chí xanh trong nuôi trồng, chế biến sản phẩm thì gần đây tất cả các khách hàng ở châu Á của công ty tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đều yêu cầu bổ sung thêm tiêu chí xanh trong các điều khoản hợp đồng. Nếu công ty không đáp ứng yêu cầu đó thì họ có thể sẽ lựa chọn nhà cung cấp khác.
Nhờ có sự chuẩn bị sớm và xây dựng nền tảng sản xuất xanh từ hơn 10 năm nay nên doanh nghiệp này đã bắt nhịp kịp thời, giữ được khách hàng và thị trường. Với hơn 1.000 nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào là các hợp tác xã, nông hộ ở ĐBSCL, Tây Nguyên và miền Trung, doanh nghiệp này đẩy mạnh hoàn thiện quy trình sản xuất xanh.
“Chúng tôi xây dựng những tiêu chí xanh nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, chúng tôi tăng cường tập huấn cho các nông hộ đi vào chiều sâu hơn. Mỗi đợt tập huấn cho không quá 30 người để các báo cáo viên có thể trình bày, hướng dẫn cụ thể, chi tiết và thực hành thực tế để các nông hộ có thể thực hiện đáp ứng tốt các tiêu chí xanh của công ty và đáp ứng yêu cầu của thị trường” - ông Lư Nguyễn Xuân Vũ nói.
Hiện nay, để sản phẩm xuất khẩu được phải có các tiêu chuẩn về môi trường, nguyên liệu, sử dụng lao động…Thực tế đã có doanh nghiệp không xuất khẩu được sản phẩm do chưa đáp ứng được một hoặc nhiều yêu cầu “xanh” của thị trường nước ngoài.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trước đây các tiêu chí xanh đối với sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu chỉ mang tính khuyến khích. Còn hiện nay các tiêu chí này là bắt buộc, nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ có nguy cơ bị mất thị trường.
Đồng thời, không chỉ thị trường khó tính như châu Âu mà các thị trường xuất khẩu khác cũng yêu cầu sản phẩm xuất khẩu phải xanh, vì liên quan đến chuỗi cung ứng và các hiệp định thương mại mà các nước này đã ký. Cho nên, doanh nghiệp muốn giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu thì phải có chiến lược chuyển đổi sản xuất xanh rất cụ thể, trong đó không chỉ xanh về nguyên liệu, môi trường, lao động và còn hướng tới kinh tế tuần hoàn.
“Xanh không chỉ là tín chỉ cacbon mà còn liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, tuần hoàn nước, năng lượng. Những phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất chúng ta phải tái chế, tập trung vào nguyên tắc 4R, đó là giảm thải, tái chế, tái sử dụng và sửa chữa. Doanh nghiệp phải xây dựng, rồi mời các tổ chức chứng nhận xanh đánh giá, cấp chứng nhận xanh và khi có chứng nhận xanh chúng ta mới xuất khẩu hàng hóa đi các nước được” - TS. Huỳnh Thanh Điền nêu ý kiến.
Ngành dệt may mặc đang nỗ lực chuyển đổi xanh (Ảnh: NQ)
Những yêu cầu về sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn thực ra đã có từ lâu và đền giai đoạn này mới bắt buộc thực hiện. Nhiều doanh nghiệp nhờ trước đây ý thức rõ vấn đề này, xây dựng chiến lược thực hiện và đầu tư bài bản cho chuyển đồi xanh mà đang vượt qua được những khó khăn chung của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Việc đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cần nguồn vốn khá lớn nhưng bù lại đã tạo dựng được uy tín với khách hàng.
Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, Khu Công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM đã chủ động chuyển đổi xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn gần 20 năm nay. Hiện hệ thống phục vụ xanh hóa sản xuất tại công ty hoạt động hiệu quả, tiết kiệm trong quá trình sản xuất. Công ty không chỉ có nhiều đơn hàng trong nước mà còn có được đơn hàng ổn định từ các tập đoàn lớn như: Pepsico (đa quốc gia), Ojitex (Nhật Bản), Box-Pax (Malaysia) và xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ…
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giấy Xuân Mai cho biết, với quy mô 2 nhà máy, công ty chuyên sản xuất giấy Kraft và giấy Tissue, đã có khoảng 80%-90% công đoạn sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh hóa. Công ty đã đầu tư khoảng 5 triệu USD cho trạm xử lý nước thải và gần 10 triệu USD cho các khâu khác.
Hiện tại, công ty có kế hoạch tiếp tục nâng cấp hệ thống nhưng đang khó vay vốn, khó tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Giờ đi vay khó, chủ yếu dựa vào uy tín của công ty với ngân hàng thì người ta cho tài sản hình thành từ vốn vay để được vay. Còn Nhà nước thì chỉ mới cho hỗ trợ những công ty hạ tầng đầu tư trạm xử lý nước thải được vay với lãi suất bằng 0. Còn những doanh nghiệp đầu tư hệ thống xanh ngoài hạng mục vừa nêu thì chưa, vẫn có sự phân biệt” - ông Phạm Văn Dũng nói.
Ngành dệt may mặc đang nỗ lực chuyển đổi xanh (Ảnh: NQ)
Chuyển đổi xanh, sản xuất xanh đòi hỏi tất cả các ngành nghề phải thực hiện nhưng với ngành dệt may có lẽ là bức bách nhất. Hiện doanh nghiệp dệt may không chỉ gồng mình đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm về số lượng, tăng về độ khó mà còn phải xoay xở đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, sản xuất bền vững từ các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ… Để chuyển đổi xanh thì chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro thị trường cao, doanh nghiệp mới thành lập khó chứng minh được năng lực tài chính. Đây cũng là lý do khiến nhiều dự án được hoạch định nhưng vẫn đang chật vật tìm vốn đầu tư.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng tái tạo như điện áp mái, điện mặt trời. Vấn đề là không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tài chính để đầu tư phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này. Thêm vào đó, ngành này phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu khá nhiều nên việc chủ động chuyển đổi xanh hạn chế.
“Hiện nay chúng ta đưa ra vấn đề tăng trưởng xanh như thế nào để bền vững và có thể thực hiện được. Câu hỏi đó rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn, vì khi muốn thay đổi, chuyển đổi công nghệ thì tiền đâu? Có thể đây là nút thắt chưa tháo gỡ được ngay. Hiện nay thế giới đưa ra một Quỹ để phục hồi xanh. Thì TP.HCM có thể làm được việc đó, tuy nhiên cần có cơ chế kịp thời” - ông Phạm Văn Việt nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, cộng đồng doanh nghiệp có sự thay đổi đáng kể về nhận thức và hành động cho chuyển đổi xanh. Gói gọn trong 12 chữ: xu thế phát triển- điều kiện sống còn- tương lai bền vững.
“Doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng, muốn xuất khẩu hàng hóa và hội nhập quốc tế thì chuyển đổi xanh là điều kiện sống còn. Bởi vì chúng ta không xanh thì không bán hàng cho ai được, không đi dâu được. Và, chỉ có chuyển đổi xanh thì mới có sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu ý kiến.
Tại kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 9/2023, UBND TP trình HĐND TP thông qua nghị quyết về triển khai chương trình kích cầu đầu tư. Sự khởi động trở lại của chương trình kích cầu đầu tư có lồng ghép vào các dự án doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đồi xanh như: năng lượng áp mái, thay đổi quy trình sản xuất, xử lý đầu ra của chất thải sản xuất…được tiếp cận vốn kích cầu, lãi suất ưu đãi. Đồng thời, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM vừa rồi có sự tham gia của các định chế tài chính cũng mở ra nhiều cơ hội nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM.
Theo Minh Hạnh, Nguyễn Quang, Lệ Hằng/VOV-TP.HCM