Thép, bất động sản tích cực
Tuần qua (27/11-1/12), cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm chủ tịch, chiếm sóng trên sàn chứng khoán, tăng ấn tượng 14%. Tính 1 tháng qua, HAG tăng gần 48%.
Cổ phiếu HAG bứt phá trong bối cảnh doanh nghiệp này đạt được bước tiến mới trong việc tái cơ cấu các khoản nợ của mình. Mới đây, HAGL tìm được các nhà đầu tư mua cổ phiếu trong đợt phát hành 1.300 tỷ đồng sắp tới.
Trong 130 triệu cổ phiếu phát hành, Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu (tương đương 4,73% sau phát hành); CTCP Tập đoàn ThaiGroup của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) mua 52 triệu cổ phiếu (tương đương 4,92%) và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Quân Tùng mua 28 triệu cổ phiếu (2,65%).
Sau một thập kỷ khó khăn, HAGL tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc. Ngày 28/11, HAGL thu nợ 200 tỷ đồng từ HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương và trả một phần nợ gốc lô trái phiếu Ngân hàng BIDV. HAGL cũng bán khách sạn trung tâm Pleiku thu về 180 tỷ đồng.
Ngoài ra, thị trường ghi nhận sự bứt phá của một số cổ phiếu thép và bất động sản. Trong tuần, cổ phiếu HU1 của CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 tăng trần 4 phiên, tổng cộng tăng 22% lên 8.530 đồng/cp. Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 4,6%. Thép Hòa Phát (HPG) tăng 1,9%...
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn khá thận trọng. (Ảnh: HH)
Phiên đầu tuần tiếp tục chịu áp lực bán lên nhóm ngân hàng-chứng khoán từ tuần trước đó. Thị trường hồi phục khá mạnh phiên sau đó nhờ nhóm cổ phiếu thép trước thông tin tích cực từ giá bán. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng điểm nhờ thông tin Quốc hội phê chuẩn Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi.
Tâm lý thận trọng hơn trong những phiên sau đó và tích cực trở lại trong phiên cuối tuần do thị trường tài chính thế giới ổn định hơn với những tín hiệu chính sách tiền tệ nới lỏng rõ nét hơn.
Tính chung trong cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 0,6% lên 1.102,16 điểm. Như vậy, trong vòng 1 tháng, VN-Index lần thứ 5 chinh phục lại mốc 1.100 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,08% lên 226,26 điểm. Upcom-Index tăng 0,24% lên 85,19 điểm.
Thanh khoản trong tuần trước giảm mạnh, dòng tiền vẫn có dấu hiệu “mất hút”. Thị trường bước vào nhịp tích lũy và chưa hình thành xu hướng rõ nét khiến dòng tiền đầu cơ thận trọng hơn.
Tổng giá giao dịch trên cả 3 sàn trung bình mỗi phiên chỉ đạt 15.065 tỷ đồng, giảm 29% so với tuần trước. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn, chủ yếu trên HOSE với giá trị 705 tỷ đồng (-23% so với tuần trước). Hai sàn HNX và UPCOM lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 12 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 750 tỷ đồng trên cả ba sàn (-22% so với tuần trước).
Kinh tế hồi phục, tỷ giá ổn định
Trong tuần qua, thông tin lạm phát Mỹ hạ nhiệt càng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm đảo chiều chính sách tiền tệ, USD đi xuống. Ngân hàng trung ương các nước bao gồm Việt Nam có thêm dư địa để bơm tiền kích thích nền kinh tế.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed - CME FedWatch Tool cho thấy khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong quý I/2024 tăng vọt, mức dự báo từ 25% lên 50%. Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp vào trung tuần tháng 12 này lên tới 95%.
Trong nước, đà phục hồi của nền kinh tế bứt tốc trong tháng 11 với sản lượng công nghiệp, tổng mức bán lẻ và số liệu xuất khẩu đều khả quan hơn so với tháng trước. Đồng thời, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm ròng qua kênh thị trường mở, qua đó kéo lượng tín phiếu đang lưu hành về chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng.
NHNN cũng có động thái tiếp tục nới room tín dụng. Các ngân hàng dùng hết 80% chỉ tiêu sẽ được tăng hạn mức, nhà băng giảm lãi suất cũng được ưu tiên. Với động thái này, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức cao hơn 11-12%, sau khi chỉ đạt khoảng 8,4% tính tới cuối tháng 11. So với kế hoạch, dư địa còn lại của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng còn hơn 6%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, với những diễn biến tích cực hơn của các yếu tố kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán vẫn đang duy trì vận động trong xu hướng phục hồi.
Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080-1.120 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn. Nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu cho giai đoạn tới, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia từ FiinGroup cho rằng, định giá thị trường chứng khoán hiện không quá hấp dẫn, qua đó cản trở dòng tiền tiếp cận.
Thực tế, ngay cả khi lãi suất huy động tại ngân hàng liên tục giảm, song sự chuyển dịch từ kênh tiền gửi sang chứng khoán vẫn khá thấp, thanh khoản ở mức trung bình, không được như kỳ vọng.
Theo FiinGroup, không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần - cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại vẫn bán ròng có ảnh hưởng tiêu cực tới sự hồi phục của chứng khoán.
Dù vậy, với vĩ mô ổn định và sự phục hồi của nền kinh tế, chứng khoán có nhiều dư địa để đi lên. Giới đầu tư hiện chờ hệ thống giao dịch chứng khoán mới theo công nghệ Hàn Quốc KRX liệu có vận hành đúng kế hoạch hay không. Xa hơn nữa là việc nâng hạng của chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Theo Vietnamnet