Công ty Địa ốc Alibaba nhận cọc giữ chỗ cho 493 khách hàng, tương ứng với số tiền 16 tỷ 626 triệu đồng.
Chi nhánh công ty Địa ốc Alibaba tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Như báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, hiện nay tại khu vực TP HCM và các tỉnh thành lân cận liên tục xuất hiện thông tin mua bán đất nền bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. Điều đáng nói, việc này diễn ra hết sức công khai như thách thức dư luận, cũng như các cơ quan chức năng và hiện tại Địa ốc Alibaba vẫn “bình chân như vại”.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc
Sau loạt bài phản ánh việc kinh doanh trái luật của Địa ốc Alibaba trên một số tờ báo, Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã phát đi các công văn nhằm cảnh báo gửi tới khách hàng đã và đang đặt cọc giữ chỗ tại dự án Tây Bắc Củ Chi. HoREA cho rằng việc mạo xưng chủ đầu tư dự án Tây Bắc Củ Chi, giới thiệu và phân lô bán nền dự kiến với tên gọi dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi là vi phạm pháp luật và gây rủi ro cao cho khách hàng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA cho biết: “ Địa ốc Alibaba có những dấu hiệu nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ "ảo"; công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng "kiểu kinh doanh đa cấp" tại nhiều "dự án" đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn Chi nhánh công ty Địa ốc Alibaba tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch Khu đô thị, trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, và gần đây là tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có tác động xấu làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp. Việc Địa ốc Alibaba cho rằng việc đặ cọc giữ chỗ tại dự án Tây Bắc Củ Chi không vi phạm luật dân sự và không phải là việc mua bán nhà hình thành trong tương lai là kiểu chống chế không thể nào hiểu nổi!?”.
Một buổi giới thiệu dự án, bán hàng rầm rộ của Địa ốc Alibaba.
Vừa qua, tại buổi “Tọa đàm đạo đức kinh doanh và khởi nghiệp bất động sản” tại TP HCM do HoREA tổ chức, đã nêu ra sự việc kinh doanh bất thường của Địa ốc Alibaba. Thông tin thêm về vụ việc này, ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, hành vi nói trên của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba là không đúng với các quy định của pháp luật.
Theo ông Trương Công Nam, cái gọi là dự án mà Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự chia quy hoạch, vẽ sơ đồ nên chưa được thành phố giao đất.
Khu đất này nằm trong dự án Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi), chỉ mới được phê duyệt quy hoạch 1/2000, thành phố đang kêu gọi đầu tư.
Vì thế việc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba đứng ra huy động khách hàng ký phiếu đặt cọc giữ chỗ dự án dưới danh nghĩa chủ đầu tư là sai luật trong khi chưa có quy hoạch 1/500, chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa giải phóng mặt bằng, vẫn còn nhiều người dân sinh sống.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với PC46 – Công an Tp. Hồ Chí Minh và C46 – Bộ Công an thu thập, củng cố hồ sơ để xử lý. Tuy nhiên Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba không có thái độ hợp tác.
“Quan điểm của Sở Xây dựng là mong muốn các doanh nghiệp đầu tư bất động sản tuân thủ các quy định của pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không nên để xảy ra Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba”, ông Trương Công Nam chia sẻ thêm.
Hiện tại, PC46 – Công an Tp. Hồ Chí Minh và C46 – Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, tiến hành xác minh thông tin và yêu cầu Địa ốc Alibaba hợp tác làm việc. Thông tin ban đầu cho thấy, tại dự án Tây Bắc Củ Chi, Địa ốc Alibaba đã nhận cọc giữ chỗ cho 493 khách hàng, tương ứng với số tiền 16 tỷ 626 triệu đồng.
"Có thể xem là thủ đoạn gian dối" Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trong trường hợp này, Công ty Địa ốc Alibaba không đủ điều kiện để huy động vốn, do đó, hành vi huy động vốn trên là trái luật. Bên cạnh đó. hành vi huy động vốn trên còn có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xét về tình tiết định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999, hành vi của Công ty Địa ốc Alibaba có tình tiết dùng thủ đoạn gian dối thỏa điều kiện quy định tại điều luật này. Dựa trên các thông tin đã được công bố liên quan đến vụ việc này có thể nhận thấy để thuyết phục khách hàng đặt cọc, Công ty Địa ốc Alibaba đã đưa ra những thông tin sai sự thật để khách hàng tin vào đó mà giao tài sản, đây được xem là thủ đoạn gian dối. |
Địa ốc Alibaba giao gì cho khách hàng?
Đã bắt đầu xuất hiện khách hàng tố cáo hành vi kinh doanh gian dối của Địa ốc Alibaba. Sau nhiều lần liên hệ với Địa ốc Alibaba để đòi nền đất đã giao dịch theo hợp đồng tại một dự án tại tỉnh Đồng Nai, khách hàng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, bức xúc trước thái độ coi thường khách hàng, anh Kiều Thanh Thụy đã tìm tới báo chí để cầu cứu.
Theo trình bày của anh Kiều Thanh Thụy (ngụ quận 10, TP.HCM) tới báo chí, anh là khách hàng đã mua và đóng 95% giá trị 2 lô đất nền tại dự án Long Phước 1 (xã Long Phước, Long Thành, Đồng Nai) của địa ốc Alibaba, đến nay địa ốc Alibaba vi phạm hợp đồng trắng trợn khi vẫn chưa bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, mặc dù đã 9 tháng trôi qua. Anh Thụy cho rằng Alibaba kinh doanh kiểu lừa đảo khách hàng vì anh không biết đến bao giờ Địa ốc Alibaba mới giao nền đất cho anh?
Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM về vấn đề này. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết:
“ Theo quy định Khoản 3 Điều 69 Luật Nhà ở 2014, tiền mua nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được xác định là nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại. Đồng thời, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, cụ thể là giao dịch này phải được thực hiện bởi chủ đầu tư; dự án phải “có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án”.
Tuy nhiên, trong trường hợp trên, Công ty Địa ốc Alibaba vẫn chưa phải là chủ đầu tư và chưa có giấy tờ sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt,… do đó, việc thực hiện phân lô, bán nền của Công ty Địa ốc Alibaba là vi phạm pháp luật.”
Trước việc Công ty Địa ốc Alibaba cho rằng, việc đặt cọc giữ chỗ cho dự án là không vi phạm luật dân sự và cho rằng dự án đất nền Tây bắc Củ Chi không phải là tài sản hình thành trong tương lai nên không vi phạm luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định:
“ Theo Khoản 2 Điều 108 Bộ luật dân sự 2015, tài sản hình thành trong tương lai bao gồm tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Do đó, có thể xác định dự án đất nền Tây Bắc Củ Chi là tài sản hình thành trong tương lai, trên cơ sở đó việc huy động vốn trong trường hợp này phải tuân thủ theo quy định của Luật Kinh doanh nhà ở 2014, Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, như đã đề cập bên trên, việc huy động vốn của Công ty Địa ốc Alibaba đã vi phạm pháp luật.”
Theo Đình Quân (BVPL)