Người mua nhà lẫn nhà đầu tư cần cảnh giác khi mua đất nền phân lô với giá trên trời và pháp lý không rõ ràng.
Ngày 4-4, tại hội thảo "Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiện tại có khá nhiều đầu nậu lợi dụng vụ cháy chung cư để thổi giá đất nền. Hiện nay đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu, cò đất, môi giới lợi dụng vụ cháy chung cư Carina Plaza để “thổi giá” đất nền phân lô nhằm trục lợi.
Đầu nậu thổi giá đất nền, người mua cần cảnh giác.
Ông Châu khuyên người mua nhà, nhà đầu tư nên hết sức cảnh giác, nhìn nhận khách quan. Theo ông Lê Hoàng Châu, vụ cháy chung cư Carina Plaza đã tác động đến tâm lý, hành vi của người tiêu dùng, và trên thực tế đã tác động trực tiếp đến phân khúc thị trường căn hộ chung cư với hiện tượng có phần nào bị chững lại trong 10 ngày qua.
Tuy nhiên, tác động này chỉ có tính ngắn hạn trong vài tháng tới đây. Bởi lẽ trong quá trình đô thị hóa, phát triển chung cư và nhà cao tầng là xu thế tất yếu toàn cầu cũng như của nước ta.
Chủ đầu tư phải nâng cao nhận thức trách nhiệm, đảm bảo chất lượng công trình, tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn, PCCC chung cư để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Ông Châu dẫn chứng: Tại Singapore có khoảng 85% dân số, nhiều nước châu Âu, Bắc Mỹ khoảng 60%-70% dân số sống trong chung cư cao tầng và nhìn chung được đảm bảo an toàn PCCC, tỉ lệ xảy ra hỏa hoạn thấp; nhu cầu lựa chọn sống trong các căn hộ chung cư cao tầng (cao cấp, trung cấp, bình dân) của các tầng lớp nhân dân rất lớn và đang gia tăng theo thời gian. Đặc biệt là loại căn hộ bình dân đang rất thiếu trên thị trường, như năm 2017 toàn thành phố chỉ có 12.495 căn nhà ở bình dân, chỉ chiếm tỉ lệ 29,1% tổng số căn hộ đưa ra thị trường, trong lúc nhu cầu loại căn hộ này lên đến vài trăm ngàn căn.
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, khách hàng, người tiêu dùng đòi hỏi và yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn cả về mặt tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn, PCCC đối với chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng. Ở chiều ngược lại, chủ đầu tư cũng nâng cao nhận thức trách nhiệm, phải đảm bảo chất lượng công trình, tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn, PCCC chung cư để đáp ứng yêu cầu của khách hàng
Không chỉ chung cư, người dân cần chú ý đến nguy cơ cháy nổ mà đang ở nhà phố cũng phải quan tâm. Số liệu thống kê mới nhất từ Cục PCCC đã chỉ ra rằng phần lớn các vụ cháy nổ tại các thành phố lớn thuộc về nhà phố và các cơ sở kinh doanh, cháy chung cư chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong năm 2017 trên địa bàn TP đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, làm 26 người chết, bị thương 44 người, thiệt hại hơn 92,5 tỉ đồng. Đại tá Đoàn Văn Chón, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết các vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra chủ yếu tại nhà ở hộ gia đình hoặc nhà ở kết hợp với kinh doanh sản xuất, chiếm đến 70%.
Đặc biệt, thành phố tồn tại rất nhiều các cơ sở thuộc diện nguy hiểm về nguy cơ cháy nổ luôn rình rập bất cứ lúc nào nhưng hoạt động không phép. Theo khảo sát và thống kê của cảnh sát PCCC, chỉ tính riêng trên địa bàn mỗi quận, huyện hiện có trên 100 cơ sở kinh doanh karaoke, gas, xăng dầu, phế liệu nhưng không có giấy phép hoạt động… Đây là những con số rất đáng lo ngại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cháy nổ ở nhà phố, cơ sở kinh doanh rất nhiều.
Trước đó, tại hội thảo "Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 3-4, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng (phụ trách Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho biết để giảm thiểu những vụ cháy cũng như thiệt hại do các vụ cháy gây ra, người dân cần phải quan tâm đến công tác PCCC nơi mình sống như tìm hiểu thêm kiến thức về PCCC, tham gia công tác tập huấn chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa mini…
Người dân hết sức chú ý và thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình, cũng như các vật dụng điện khác để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Cần cẩn thận đến việc thắp hương, thờ cúng trong nhà, không để bàn thờ sát với những đồ vật dễ cháy.
Người dân phải có trách nhiệm với chung cư nơi mình sinh sống, cần bảo quản tốt các trang thiết bị chữa cháy đã được trang bị, nếu phát hiện hỏng hóc phải báo cho ban quản lý tòa nhà. Trong trường hợp có cháy, người dân cần giữ thái độ bình tĩnh, quan sát xem lửa đang cháy ở đâu, có ảnh hưởng tới mình hay không.
Trường hợp lửa không đe dọa trực tiếp tới tính mạng thì người dân cứ đóng cửa ở trong phòng, rồi sử dụng băng dính chống cháy (giá chỉ vài chục ngàn), chăn ướt, khăn ướt…, chèn kín khe cửa, không để khói độc bay vào bên trong phòng rồi gọi điện thoại báo cho lực lượng cứu nạn theo số 114.
Theo Quang Huy (plo.vn)
http://plo.vn/do-thi/bat-dong-san/dau-nau-loi-dung-vu-chay-chung-cu-thoi-gia-dat-nen-763442.html