Ngoài những hồ bơi rộng lớn, còn có những căn nhà kiên cố, cao 4 tầng ngang nhiên xây dựng không phép trên hành lang an toàn của sông Sài Gòn.
Sống gần sông Sài Gòn nhưng nhiều người dân ở TP.HCM lại không được quyền tiếp cận bờ sông để tận hưởng cảnh quan, không gian công cộng.
Với những khu dân cư đông đúc, tấc đất tấc vàng, mặt tiền sông Sài Gòn gần như trở thành “lãnh địa” riêng của những quán cà phê, nhà hàng hoặc cơ ngơi của những gia đình giàu có.
Vi phạm kiểu xa xỉ đến khó ngờ
Sau khi UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải rà soát lại hiện trạng xây dựng dọc sông Sài Gòn, từ tháng 6/2019 đến nay, nhiều lần dùng ghe tiếp cận một số khu vực ven sông ở nội thành, chúng tôi nhận thấy, mặt tiền sông hầu hết đã có chủ, gần như không còn không gian công cộng.
Theo quy định, các công trình xây dựng dọc sông phải cách xa mép bờ 30m, nhưng trên thực tế, lại có rất nhiều công trình nằm sát mép bờ sông Sài Gòn hiện hữu. Một số công trình còn xây dựng rất bề thế, chứng tỏ chủ nhân của nó không phải dạng “túng làm liều”.
Một trong những loại công trình lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn có mức độ xa xỉ đến khó tin mà chúng tôi ghi nhận được là hồ bơi và nhà nghỉ mát. Những công trình này tập trung nhiều ở quận 2, nơi có nhiều “khu nhà giàu” với những căn biệt thự bề thế ven sông.
“Nhìn những gia đình giàu có xây hồ bơi ngay mặt tiền sông Sài Gòn, không ai có thể hình dung đây là những công trình trái phép” - người chèo ghe nói khi chở chúng tôi đi thực tế ghi nhận cảnh hồ bơi xây sát bờ sông Sài Gòn, thuộc phường Bình An, quận 2.
Một đoạn kè sông Sài Gòn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, bị sạt lở do điểm kinh doanh vật liệu xây dựng gây ra |
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, hồ bơi và nhà nghỉ mát bên sông Sài Gòn nói trên bắt đầu được xây dựng năm 2015, hiện đã hoàn thiện. Chủ công trình là bà H.T.H.Hạnh.
Hồ bơi có diện tích 6x18m, cao 3m. Căn nhà dùng để nghỉ mát có bề ngang 5,5m, dài 22m, cao 3m. Toàn bộ công trình này được xác định nằm trong hành lang sông Sài Gòn, chỉ cách mép sông 10m, trong khi quy định bắt buộc phải cách xa 30m.
Cách công trình trên không xa, chúng tôi phát hiện một hồ bơi khác cũng nằm sát sông, vị trí Km 21+200 bờ tả sông Sài Gòn, thuộc phường Thảo Điền.
Skip
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đứng tên sở hữu khu đất có công trình này là ông H.V.An.
Công trình bắt đầu xây dựng năm 2017, hiện đã hoàn thiện các hạng mục. Hồ bơi có diện tích 6x19m, cao 1,5m, được xác định nằm cách mép bờ sông hiện hữu chỉ khoảng 2,5m.
Không chỉ có hồ bơi, nhà nghỉ, ở phường Thảo Điền, còn có trường hợp xây nhà trên hành lang sông Sài Gòn. Có trường hợp, chủ đất xây cùng lúc hai căn nhà. Chủ nhân hai công trình này được xác định là bà H.T.Nga.
Cụ thể, bà Nga xây một căn nhà với diện tích 4x5m, cách mép sông hiện hữu chỉ 3m. Căn còn lại có diện tích 4x12m, cách mép sông hiện hữu khoảng 11m.
Nhà 4 tầng cũng xây không phép
Một trong những công trình hoành tráng nhất mà chúng tôi ghi nhận được ở hành lang sông Sài Gòn là công trình nhà ở kiên cố, nhiều tầng, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh.
“Trời đất! Sát bờ sông mà họ dám xây nhà tới mấy tấm, lại không bị tháo dỡ thì chắc chủ nhà phải có thế lực dữ dằn chứ không phải dân thường” - người chèo ghe chở chúng tôi thốt lên khi chúng tôi dừng lại ghi hình công trình này.
Công trình hồ bơi, nhà nghỉ xây dựng trong hành lang sông Sài Gòn, đoạn qua quận 2 |
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, công trình nói trên có quy mô 4 tầng, mỗi tầng có diện tích xây dựng gần 900m2. Công trình này nằm trong khu đất do bà N.T.X.Ngọc đứng tên, chỉ cách mép bờ sông 18m nên được xác định là công trình nằm trong hành lang sông Sài Gòn.
Điều đáng nói, công trình xây dựng không phép, lấn chiếm sông Sài Gòn này đã được các đơn vị quản lý giao thông đường thủy phát hiện từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý.
Cũng ở phường 25, quận Bình Thạnh, chúng tôi ghi nhận, có một công trình nhà xưởng được xây dựng sát mép sông Sài Gòn. Theo xác định của một số đơn vị liên quan, công trình này là nhà xưởng một công ty kinh doanh ô tô do bà L.T.M.Nguyệt làm chủ.
Ngoài đóng cừ lá sen bê tông dọc sông với diện tích 30x40m, chủ khu đất còn xây nhà xưởng với diện tích 15x53m cách mép bờ hiện hữu chỉ khoảng 4m.
Tại mặt tiền sông Sài Gòn, đoạn dọc theo trục đường Nơ Trang Long, thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, chúng tôi cũng ghi nhận có hai công trình nhà ở đã xây dựng hoàn thiện, nằm khá gần mép sông.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được, hai công trình này đều nằm trong khu đất của bà N.T.Kim. Theo xác định của một số đơn vị liên quan, một căn có diện tích 4x7,8m và một căn có diện tích 3,2x11m, có kết cấu tường gạch, mái tôn.
Cả hai công trình nói trên đều xây dựng không phép và đều nằm trong hành lang sông Sài Gòn. Cụ thể, một căn cách mép sông Sài Gòn khoảng 20m, căn còn lại cách mép sông khoảng 28m. Dù đã được phát hiện từ năm 2010 nhưng đến nay, hai căn nhà này vẫn chưa bị xử lý, tháo dỡ.
63 trường hợp vi phạm chờ xử lý Tính đến hết tháng 7/2019, các đơn vị phụ trách xây dựng, giao thông xác định, tại TP.HCM, có 63 trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn và các tuyến kênh lớn. Trong đó, qận 2 có 6 trường hợp vi phạm, quận 7 có 7 trường hợp, quận 8 có 1 trường hợp, quận 9 có 15 trường hợp, quận 12 có 3 trường hợp, quận Bình Thạnh có 7 trường hợp, huyện Cần Giờ có 3 trường hợp, huyện Củ Chi có 4 trường hợp và huyện Bình Chánh có 17 trường hợp. Hiện, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang tổng hợp tất cả trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch, đặc biệt là sông Sài Gòn, để trình UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý. Theo dự kiến, tất cả trường hợp vi phạm sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. |
Mối lo về những “hố bom” dọc sông Sài Gòn Trong một báo cáo trình UBND TP.HCM mới đây, Sở Giao thông Vận tải bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng dọc sông Sài Gòn đào hố lớn chứa vật tư (cát, sỏi), có thể gây tình trạng sụt, lún. Hiện ở TP.HCM, có hàng trăm điểm kinh doanh vật liệu xây dựng nằm sát bờ sông Sài Gòn và các sông, kênh lớn. Việc tập kết, chuyên chở vật liệu xây dựng ra vào những khu vực này thường vi phạm các quy định về bến thủy cũng như về an toàn giao thông, gây tình trạng ô nhiễm, hư hỏng đường sá, hạ tầng ven sông. Với những khu vực đã đầu tư xây dựng đê bao chống ngập như công trình bờ hữu sông Sài Gòn (thuộc quận 11, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi), việc kinh doanh vật liệu xây dựng khiến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng, gây bức xúc cho chính quyền địa phương và đơn vị quản lý công trình đê bao. Đơn cử, tại bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, từng xuất hiện hố sụt lớn lấn sâu vào bờ sông. Nguyên nhân sự cố được xác định là do cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng sát bên gây ra. |
Cần trả lại không gian ven sông Sài Gòn Nhiều lần trao đổi với chúng tôi về quy hoạch đô thị dọc sông Sài Gòn, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc phát triển đô thị ở TP.HCM không gắn với dòng sông là sai lầm và thiệt thòi rất lớn. “Sông Sài Gòn có vị trí rất đẹp, nhưng từ sau năm 1975 đến nay, việc phát triển đô thị ở TP.HCM chưa gắn với dòng sông. Vì thế, hiện nay, khi TP.HCM điều chỉnh quy hoạch, cần phải cân nhắc những yếu tố bảo vệ sông Sài Gòn, không để cảnh quan tự nhiên bị phá vỡ”. Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM cần khảo sát, đánh giá đầy đủ về hiện trạng dọc sông Sài Gòn để có phương án quy hoạch, quản lý phù hợp. “Quy hoạch khai thác tiềm năng dọc sông Sài Gòn rất quan trọng, làm tăng bản sắc đô thị cho TP.HCM. Tuy nhiên, quy hoạch phải nhằm mục đích tăng không gian công cộng, phục vụ cộng đồng. Quy hoạch phải tuân thủ những nguyên tắc ứng xử với dòng sông như tăng mảng xanh ven sông, mở rộng diện tích mặt nước. Cần mở đường giao thông ven sông như đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp…” - kiến trúc sư Nam Sơn đề xuất. |
Nhóm phóng viên (phunuonline.com.vn)