Chi tiền tỷ thi hoa hậu quốc tế: ‘Được ăn cả, ngã về không’

  • Admin
  • 20-04-2023
  • 496 Lượt xem

Công tác huấn luyện đại diện thi nhan sắc quốc tế luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong mục tiêu giúp Việt Nam thăng hạng trên bản đồ sắc đẹp thế giới.

Đến với đấu trường quốc tế, một đại diện quốc gia luôn phải sẵn sàng thể hiện các kỹ năng để ghi điểm. Với một số thành tích đã đạt được của Phương Khánh, Thuỳ Tiên, Thuý Vân, H'hen Niê... và danh tiếng mang lại, việc đào tạo thí sinh là minh chứng khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ sắc đẹp thế giới.

 

Thuỳ Tiên làm nên lịch sử khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2018. 

Đầu tư không giới hạn 

Giống như thi trong nước, các kỹ năng chính cần trang bị cho thí sinh thi quốc tế gồm: trình diễn, giao tiếp (trả lời phỏng vấn, ứng xử, ngoại ngữ), kiến thức chung, huấn luyện thể chất và trang phục, trang điểm, tài năng. Tuy nhiên, các đại diện sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn.

Chia sẻ với VietNamNet, bà Phạm Kim Dung - CEO Sen Vàng - đơn vị nắm bản quyền nhiều cuộc thi quốc tế uy tín cho biết, công ty không ấn định số lượng khóa học hay chi phí đầu tư mà tuỳ vào mong muốn của các người đẹp.

“Các bạn ấy nhiều khi lười, không muốn học một vài kỹ năng nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu học. Không phải cuộc thi nào lớn hơn thì đầu tư nhiều hơn mà đại diện nào yếu phải đào tạo nhiều”, bà Dung nói.

Đại diện Unicorp - đơn vị từng nắm quyền cử đại diện thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) cũng chia sẻ, công ty lên lộ trình đào tạo riêng cho mỗi đại diện. Các khóa học bao gồm: kỹ năng trình diễn, giải phóng hình thể, trang điểm và đặc biệt chú trọng ứng xử, tư duy phản biện. Học phí mỗi lần đầu tư cho “gà nhà” đều không có con số cụ thể.

Tâm sự với VietNamNet, á hậu Hoàng Thùy cho biết, trước khi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019, cô tham gia rất nhiều khóa học. Ngoài những kỹ năng cơ bản, chân dài còn tập hô tên, xem các cuộc thi để học hỏi, niềng răng để có nụ cười rạng rỡ. “Nghĩ lại chặng đường đó, tôi tự hào vì đã cố gắng hết sức, chỉ hơi buồn vì không thể mang vương miện về cho đất nước”, cô giãi bày.

Giống Hoàng Thuỳ, trước khi chinh chiến Hoa hậu Hoàn vũ 2020 tại Mỹ, hoa hậu Khánh Vân ghi lại hành trình huấn luyện trong chương trình “Road to Miss Universe”. Đây cũng là sự đầu tư của đơn vị quản lý để các người đẹp được ủng hộ nhiều hơn từ công chúng. Cô được hỗ trợ kinh phí đào tạo bởi tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. 

Hoàng Thuỳ, Khánh Vân tham gia rất nhiều khóa học trước khi thi Hoa hậu Hoàn vũ. 

Theo bà Phạm Kim Dung, lộ trình huấn luyện thí sinh cũng được định hướng theo tiêu chí từng cuộc thi. Bà dẫn chứng: “ Hoa hậu quốc tế thiên về vẻ đẹp tự nhiên, đề cao làn da đẹp, phong cách thanh lịch và tri thức tốt. Người chiến thắng không cần bùng nổ trên sân khấu nhưng phải thông minh. Còn với Hoa hậu Hòa bình quốc tế, họ thích sự cá tính, hình thể đẹp, khả năng catwalk chuyên nghiệp và tiếng Anh tốt”.

Ra nước ngoài huấn luyện 

Việc học trình diễn trước khi chinh chiến quốc tế thiên về định hình phong cách catwalk, luyện bài diễn riêng cho từng phần thi. Tiêu biểu, nhiều bài diễn của các đại diện tại Hoa hậu Hoàn vũ không chỉ để phô bày kỹ năng mà còn truyền tải thông điệp. Các tên gọi: “Snake walk” - bước chân mình xà (Phạm Hương), “Butterfly walk” - nhộng hóa bướm (H’hen Niê), “Bamboo walk” - uyển chuyển dẻo dai như cây tre (Hoàng Thuỳ), “Mint tornado walk” - lốc xoáy bạc hà (Khánh Vân) từ đó mà ra đời. 

Một xu hướng chung trong việc huấn luyện kỹ năng sân khấu là nhiều người đẹp học với giảng viên quốc tế. Từ 2022 về trước, Anjo Santos - cố chuyên gia đào tạo người Philippines là thầy quen thuộc của các đại diện Việt Nam, tiêu biểu như: Huyền My, Đỗ Mỹ Linh, H’hen Niê, Hoàng Thuỳ, Lương Thuỳ Linh, Kiều Loan. Jonas Gaffud - “ông trùm hoa hậu” Philippines cũng là chuyên gia thỉnh giảng cho trung tâm đào tạo của công ty Elite Việt Nam dạy Lê Âu Ngân Anh trước khi thi Hoa hậu Liên lục địa 2018.

Anjo Santos - người thầy của nhiều hoa, á hậu Việt. 

Năm 2018, Phương Khánh được huấn luyện tại Kagandahang Flores - lò đào tạo hoa hậu nổi tiếng nhất nhì Philippines trước khi thi Hoa hậu Trái đất. Cô cùng Nữ hoàng Trang sức Mỹ Duyên (thi Hoa hậu Toàn cầu 2019) tập luyện trong một nhà kho, không có máy lạnh dù thời tiết nóng bức để rèn ý chí quyết tâm và sức bền. 

Cuối năm 2022, Ngọc Châu sang Philippines và huấn luyện 3 tuần về trình diễn, phỏng vấn với Carlos Avila Buendia Jr - thầy của Hoa hậu Hoàn vũ 2018 Catriona Gray. Đầu 2023, công ty UniMedia tiếp tục cử Thanh Thanh Huyền đi học 2 tuần tại “cường quốc hoa hậu châu Á” trước khi thi Hoa hậu Sắc đẹp Quốc tế (Miss Charm). Nhìn chung, các người đẹp được đào tạo với giảng viên nước ngoài đều tiến bộ về thần thái, cách sải chân và trình diễn với những động tác mang dấu ấn riêng. 

Có gần 10 năm kinh nghiệm nhưng trước khi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019, Hoàng Thuỳ vẫn chăm luyện catwalk với các chuyên gia. Hoa hậu Khánh Vân tâm sự với VietNamNet, việc rèn luyện thêm không thừa bởi trình diễn là cơ hội để thí sinh bộc lộ cá tính, tạo ấn tượng cho giám khảo. 

Giao tiếp, tiếng Anh: hạn chế chung của nhiều đại diện

Khả năng tiếng Anh tốt giúp các người đẹp dễ dàng giao lưu, truyền tải thông điệp khi thi quốc tế. Nhưng nhìn chung, đây vẫn là một hạn chế của nhiều đại diện Việt Nam. H’hen Niê là một trong số ít người đẹp tuy không giao tiếp tốt tiếng Anh nhưng vẫn đạt thành tích cao nhờ câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt. 

Bà Phạm Kim Dung kể với VietNamNet, những đại diện đã có nền tảng tiếng Anh tốt sẵn như: Lương Thuỳ Linh, Bảo Ngọc, Mai Phương, Phương Anh chỉ cần học thêm kỹ năng nói chuyện trước công chúng và trả lời phỏng vấn chuyên sâu. Với những đại diện khác, họ cần học thêm tiếng Anh để giao tiếp hay hơn, gần ngữ điệu người bản xứ. 

Bà Phạm Kim Dung chia sẻ công thức huấn luyện thí sinh thi nhan sắc quốc tế:

Với những người đẹp chưa có nền tảng tiếng Anh tốt, việc trau dồi ngoại ngữ cần thời gian dài và thường xuyên để có thể giao tiếp tự tin. Nếu chưa vững giao tiếp cơ bản, thí sinh cần bắt đầu khóa học từ vựng, phát âm rồi nâng lên khóa giao tiếp. Từ đó, họ mới có thể luyện giao tiếp tiếng Anh về các vấn đề xã hội. 

Á hậu Hoàng Thùy học tiếng Anh từ rất sớm, áp dụng nhiều cách học khác nhau. “Bên cạnh học thầy, tôi xem các clip trên mạng rồi bắt chước đọc theo. Tôi cho rằng, đi thi là phải chinh chiến chứ không phải thời gian tập luyện. Nhờ tinh thần đó, trình độ tiếng Anh của tôi tăng lên hẳn. Tôi biết nhiều từ hơn, sử dụng câu phong phú hơn nên không gặp trở ngại ngôn ngữ khi giao tiếp với bạn quốc tế”, chân dài xứ Thanh tâm sự với VietNamNet. 

Hình thể, trang phục, trang điểm

Trừ Hoa hậu Thế giới, trình diễn áo tắm luôn là phần thi quan trọng tại các cuộc thi quốc tế. Do vậy, việc rèn luyện hình thể quyến rũ luôn nằm trong lộ trình huấn luyện của các đại diện Việt Nam. 

Các bài tập thể chất chính là gym, yoga, đi bộ, chạy bộ và các kỹ thuật thở. Chế độ dinh dưỡng cũng được chú trọng với khẩu phần ăn theo giờ, hạn chế tối đa tinh bột, dầu mỡ và đồ ăn vặt. 

Á hậu Kim Duyên trong 2 lần thi quốc tế (Hoa hậu Hoàn vũ 2021, Hoa hậu Siêu quốc gia 2022) đều tập luyện với cường độ cao. Người đẹp để thân hình đầy đặn rồi đẩy mạnh siết cơ, giảm mỡ từ 2-3 tháng trước khi xuất ngoại. 

Huấn luyện về trang điểm cũng là điều cần đẩy mạnh, bởi liên quan trực tiếp đến vẻ ngoài của thí sinh. Khi thi quốc tế, các người đẹp phải tự lo mọi việc. Hoa hậu Thùy Tiên có thời gian dài học trang điểm, làm tóc cùng 2 chuyên gia Quân Nguyễn - Pu Lê. Toàn bộ mẫu trang điểm của cô tại Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 đều được học kỹ trước đó. 

Bên cạnh đó, huấn luyện thời trang cũng cần thiết. Mỗi người đẹp thường được định hình phong cách thời trang riêng, phù hợp với cá tính bản thân và tiêu chí cuộc thi. Họ cũng được stylist cùng nhà thiết kế phối trang phục với phụ kiện và để sẵn mặc cho từng sự kiện. Các đại diện còn được dạy thêm về kỹ năng chọn, phối đồ bởi có nhiều tình huống, hoạt động bất ngờ không thể mặc theo trang phục định trước. 

Đại diện Việt Nam tại các cuộc thi lớn thường nhận được sự hỗ trợ từ các nhà thiết kế. Nếu không được tài trợ, số tiền đầu tư cho trang phục phải lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. 

Bà Phạm Kim Dung chia sẻ với VietNamNet về các dự án thiện nguyện tiền tỷ:

“Rót” hàng tỷ làm dự án cộng đồng
Một điểm nữa mà thí sinh Việt Nam cần đầu tư khi thi quốc tế là những dự án cộng đồng lâu dài, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. 

Hoa hậu Thế giới có riêng một hạng mục “Sắc đẹp vì mục đích cao cả” (Beauty with a Purpose) để chấm dự án thiện nguyện mà thí sinh mang đến. Đây là phần thi chiếm điểm số lớn, người chiến thắng thường đạt kết quả cao chung cuộc. Hoa hậu Hoàn vũ từ 2015 trở lại đây cũng đề cao những người đẹp có câu chuyện truyền cảm hứng và dự án xã hội thiết thực. Do đó, hồ sơ dự thi liệt kê nhiều hoạt động cộng đồng, dự án dài hạn là lợi thế lớn đối với thí sinh.

Những dự án cộng đồng mang 2 ý nghĩa: vừa giúp thí sinh làm đẹp hồ sơ, nhưng quan trọng hơn là đóng góp những điều tích cực đến xã hội. Một số cô gái từ khi dự thi trong nước đã thực hiện dự án xã hội nhưng hầu hết tính lan tỏa chưa cao. Khi được chọn thi quốc tế, người đẹp Việt có nhiều lựa chọn: phát triển dự án đã có, trở thành đại sứ cho các tổ chức/dự án xã hội hay đầu tư hơn là thực hiện một dự án mới.  

Bà Phạm Kim Dung kể với VietNamNet, số tiền đầu tư cho mỗi dự án lên đến hàng tỷ đồng: “Cõng điện lên bản” của Đỗ Mỹ Linh (hơn 1 tỷ đồng), “Đắp đường, xây ước mơ” của Lương Thuỳ Linh (hơn 3,2 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, không phải người đẹp nào dự thi quốc tế cũng được đơn vị nắm bản quyền hỗ trợ về tài chính. Một dự án muốn có những ảnh hưởng tích cực nhất định tới cộng đồng cũng cần thời gian dài. Do vậy, nhiều đại diện Việt Nam không có dự án cộng đồng mang đến đấu trường quốc tế hoặc dự án ngắn hạn nên chưa tạo dấu ấn. 

Đức Thắng - Trúc Thy

Video: Thanh Phi

Nguồn: Vietnamnet


Or use your account on Blog

Error message here!

Hide Error message here!

Forgot your password?

Or register your new account on Blog

Error message here!

Error message here!

Hide Error message here!

Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link to create a new password.

Error message here!

Back to log-in

Close