Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, thời gian qua mặc dù số vụ vi phạm về hàng gian, hàng giả có giảm về số lượng, song tính chất vi phạm ngày càng tinh, phức tạp hơn. Vì vậy, cần có những giải pháp chặt chẽ, bám sát với thực tiễn cuộc sống để công tác phòng chống hàng giả ngày càng hiệu quả, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Đưa doanh nghiệp ra tòa vì hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ
Chị Trần Thị Đoan Trang ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM ký hợp đồng mua gói sở hữu kỳ nghỉ của một doanh nghiệp kinh doanh du lịch với giá 127 triệu đồng. Theo hợp đồng, mỗi năm chị được đi du lịch nước ngoài 1 lần và duy trì trong 10 năm. Hôm đến đặt cọc 10% giá trị hợp đồng, nhân viên quẹt thẻ ATM của chị Trang đến 50% giá trị hợp đồng. Đòi lại 40% và chấp nhận mất số tiền đặt cọc tại công ty không được, chị nộp đơn khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM. Khi Hội mời doanh nghiệp đến hòa giải, nhưng doanh nghiệp không đến, cực chẳng đã, chị Trang đành kiện ra Tòa án nhân dân Quận 1.
“Công ty này nói 1 đằng làm 1 nẻo, công ty tư vấn thì khác mà trong hợp đồng thì không có những điều đó, toàn ghi những điều bất lợi cho khách hàng. Công ty này cũng đã hứa trả lại cho tôi 18 triệu đồng, chia làm 3 lần trả, nhưng sau đó cũng không trả. Tôi đã khởi kiện công ty này ra tòa, tòa đã thụ lý hồ sơ. Tòa đã mời 2 lần nhưng công ty này không lên tòa”, chị Trang cho biết.
Cơ quan chức năng kiểm tra và lập biên bản cơ sở sản xuất làm nón giả giả nhãn hiệu nón Sơn tại Quận 12 (Ảnh Công ty Nón Sơn cung cấp)
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, trong năm 2022 đã tiếp nhận hơn 40 đơn khiếu nại, 2 tháng đầu năm 2023, đơn vị tiếp nhận 14 đơn. Trong đó, có 10 đơn khiếu nại về hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đối với hai Công ty Resort International và Công ty Vịnh Thiên Đường (ALMA). Phần lớn khiếu nại về chất lượng dịch vụ không như doanh nghiệp quảng bá, cam kết, nhất là trong hợp đồng nhiều điều không rõ ràng, gây bất lợi cho khách hàng.
Luật gia Phạm Việt Thu- Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết, trong quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều điểm thiếu chặt chẽ, chưa sát thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nhất là hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ do chưa đọc kĩ hoặc không am hiểu pháp luật dễ “mắc bẫy” và chịu thiệt.
Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bao quát tốt hơn. Tuy nhiên, để thực thi tốt luật, các tỉnh, thành phải có bộ phận tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người dân. Bởi, Hội chỉ có chức năng hòa giải, nên khi mời các bên liên quan đến giải quyết khiếu nại, nếu họ không lên thì hội cũng không làm gì được.
Luật gia Thu kiến nghị: “Mỗi quận, huyện phải thành lập 1 đơn vị tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, nhưng đến thời điểm này ở TP chưa có đơn vị nào của nhà nước ở tại địa phương tiếp nhận đơn và giải quyết cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng chỉ trông chờ vào hội mà hội hòa giải không được thì phải hướng dẫn người dân kiện ra tòa mà kiện ra tòa thì rất nhiêu khê”.
Sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi
Trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không chỉ có các cấp hội gặp khó khăn mà phía doanh nghiệp sản xuất cũng gặp không ít gian nan. Năm 2021, ngành chức năng bắt giữ và khởi tố nhóm 3 người tổ chức sản xuất, kinh doanh nón bảo hiểm giả thương hiệu Công ty Nón Sơn (có địa chỉ tại Quận 3, TP.HCM). Nhóm đối tượng do Hà Bảo Châu ngụ ở quận Bình Tân, TP.HCM cầm đầu đã bị tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam. Tuy nhiên, mới đây, doanh nghiệp lại phát hiện đường dây sản xuất làm giả nón vải với quy mô lớn hơn ở Quận 12. Công ty Nón Sơn đã báo cơ quan chức năng bắt giữ chuỗi sản xuất nón giả này với lượng hàng hóa hơn 38 tỷ đồng. Tòa án nhân dân TP.HCM đang thụ lý hồ sơ vụ án.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra nơi sản xuất nón bảo hiểm giả ở quận Bình Tân
Theo ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Các đối tượng làm vào ngày thứ 7, Chủ Nhật và giao hàng ban đêm để né tránh cơ quan chức năng. Đồng thời các đối tượng chia nhỏ công đoạn sản xuất ở những nơi khác nhau, sản xuất riêng từng phần nên khi phát hiện rất khó xử lý hình sự.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra cơ sở sản xuất nón vải giả nhãn hiệu nón Sơn (Ảnh do Công ty Nón Sơn cung cấp)
Để công tác chống hàng gian hàng giả hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Tý cho rằng, phải tăng chế tài xử phạt hình chính, biện pháp hình sự nặng hơn mới đủ sức răn đe. Nhà nước phải hoàn thiện khung pháp lý để kẻ gian không lách luật. Đồng thời, Chính phủ nên chỉ đạo có sự liên thông về pháp lý chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống hàng gian, hàng giả để nhanh chóng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý trường hợp vi phạm. Đặc biệt, TP.HCM nên thành lập đội 389 tới cấp xã, phường.
“Nếu chỉ có Ban chỉ đạo 389 cấp thành phố thì không thể nào quản lý xuể địa bàn rộng lớn. Nếu 1 phường, 1 xã đều có ban chỉ đạo 389 để phối hợp, khi đó dù PC03 hay quản lý thị trường các đơn vị làm thì họ phối hợp với 389 ở sở tại sẽ làm rất hiệu quả. Họ rành địa bàn nên có thể hỗ trợ tối đa, nhanh chóng, kịp thời”, ông Tý nêu ý kiến.
Tình trạng sản xuất hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp hơn nên để bảo vệ người tiêu dùng không chỉ hoàn thiện khung pháp lý mà cách thực thi pháp luật đó như thế nào cho hiệu quả hơn. Đồng thời, các cơ quan chức năng và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn trong “cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả”. Ngoài ra, người tiêu dùng cần trang bị thêm cho mình những kiến thức để bảo vệ chính mình./.
Theo Lệ Hằng/VOV-TPHCM