Hàng nghìn mét vuông đất đã bị Công ty địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn bán cho Công ty Đông Tây với giá thấp hơn rất nhiều lần so với mức giá thị trường…
Tự “sáng tác” giá chuyển nhượng
Được biết, vào năm 2005, Công ty TNHH MTV Phát triển kinh doanh nhà (HDTC) ký hợp đồng số 1861 chuyển nhượng khu đất lô CC06-2 (diện tích 3.603 m2) tại khu đô thị An Phú – An Khánh (quận 2) cho Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (Công ty địa ốc SGCL) với giá là 1.450.000đ/m2.
Thời điểm hai công ty này ký hợp đồng thì khu đất chưa được giải phóng mặt bằng, nên ngày 29/10/2012, HDTC và Công ty địa ốc SGCL ký phục lục hợp đồng số 1861A, thống nhất điều chỉnh diện tích khuôn viên lô đất từ 3.603 m2 lên 5.719m2 tại lô CC06-2.
Theo Phụ lục hợp đồng số 1861A, giá đất 3.603m2 mà HDTC bán cho Công ty địa ốc SGCL tại thời điểm tháng 12/2005 là 7.574.713đ/m2 (tương đương 27,2 tỷ đồng); giá đất cho 2.116m2 là 20.355.787đ/m2 (tương đương 43 tỷ đồng). Tổng giá trị hợp đồng là 70,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá bán này được xác định là thấp hơn rất nhiều lần so với định giá của cơ quan có chuyên môn.
Công ty địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn. |
Theo Chứng thư thẩm định giá số Vc/08/381, tại thời điểm tháng 12/2005, lô đất CC06-2 có giá trị 48.662.971.000đ, tương đương 8,5 triệu/m2. Nhưng HDTC đã bán cho Công ty địa ốc SGCL với giá7,5 triệu/m2, thấp hơn 1 triệu đồng/m2.
Còn theo Chứng thư thẩm định giá số 11/08/380/BĐS, giá trị tài sản của của lô CC06-2 vào thời điểm tháng 8/2011 là 140.824.656.000đ, tương đương 24.624.000đ/m2. Tuy nhiên, theo phụ lục hợp đồng, 2.116m2 đất của Nhà nước đã bị HDTC “hạ giá”, bán cho Công ty địa ốc SGLC với giá 20.355.787đ, thấp hơn giá thẩm định 4 triệu đồng/m2.
Nguồn tin cho hay, từ thời điểm 2005 đến 2008, Công ty địa ốc SGCL mới thanh toán được 4,1 tỷ đồn nên nếu áp dụng giá đất 8,5 triệu đồng/m2 theo Chứng thư thẩm định thì số tiền này chia ra diện tích đất năm 2005 chỉ được khoảng 500m2. Thế nhưng, năm 2011, HDTC đã bán toàn bộ 3.603m2 cho Công ty địa ốc SGCL với giá 7,5 triệu/m2, điều này là không đúng với yêu cầu của kiểm toán, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Theo phân tích của giới đầu tư, khi HDTC và Công ty địa ốc SGLC ký Phụ lục hợp đồng 1861A vào năm 2012, đất phải được bán theo đúng giá thị trường (thời điểm ký phụ lục hợp đồng). Năm 2005, lô đất CC06-2 được định giá là 8,5 triệu/2 thì với số tiền đã thanh toán (4,1tỷ đồng), Công ty địa ốc SGCL chỉ mua được khoảng 500m2. Còn lại 3.100m2 phải được bán theo giá thẩm định vào tháng 8/2011 là 24,6 triệu/m2.
Từ việc ký Phụ lục hợp đồng 1861A nói trên cho thấy, HDTC và Công ty địa ốc SGCL đã tự mình “sáng tác” giá chuyển nhượng, tự mình đặt ra mức giá thấp hơn rất nhiều lần so với giá thẩm định để bán cả lô đất gần 600m2 với giá rẻ bèo.
Cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ
Hồ sơ có được của PV cho thấy, ngay sau khi mua được 5.719m2 từ HDTC, Công ty địa ốc SGCL nhanh chóng chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Đông Tây (Công ty Đông Tây) theo hình thức hợp tác kinh doanh.
Theo đó, ngày 21/12/2012, Công ty địa ốc SGCL và Công ty Đông Tây ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04 để đầu tư xây dựng khu căn hộ cao tầng tại lô CC06-2. Hợp đồng này nêu rõ hai bên thống nhất giá trị quyền sử dụng khu đất 5.719m2 là 17 triệu/m2 (tương đương 97,2 tỷ đồng). Công ty Đông Tây chiếm 70% tỷ lệ giá trị quyền sử dụng đất nói trên (tương đương 68 tỷ đồng).
Với thương vụ này, Công ty địa ốc SGCL đã mua đắt bán rẻ. Nếu thời điểm 2012 (theo phụ lục hợp đồng số 1861A ký ngày 29/10/2012), Công ty địa ốc SGCL mua lô CC06-2 với giá 20.355.787/m2, thì 2 tháng sau đó, Công ty địa ốc SGCL đã bán chính lô đất này dưới hình thức hợp tác kinh doanh với giá 17 triệu đồng, thấp 3,3 triệu so với giá Công ty địa ốc SGCL mua của HDTC, và thấp hơn 7,6 triệu so với Chứng thư thẩm định giá.
Như vậy, cả khu đất CC06-2 có giá 140 tỷ đồng đã được Công ty địa ốc SGCL bán cho Công ty Đông Tây với giá 97 tỷ đồng, thấp hơn 43 tỷ đồng so với giá thẩm định.
Được biết, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm 51% vốn tại Công ty địa ốc SGCL. Đằng sau việc bán rẻ 5.719m2 nói trên, dư luận cho rằng UBND TP.HCM cần phải vào cuộc làm rõ dấu hiệu trục lợi, bắt tay nhau dìm giá tài sản của hai công ty này. Đồng thời, đề xuất cơ quan điều tra khởi tố vụ án để xác minh, làm rõ dấu hiệu của tội cố ý làm trái.
Thủy Tiên (doisongphapluat.com)