Tướng Thomas-Alexandre Dumas một mình chống lại cả đội kỵ binh Áo để đồng đội rút lui trong trận chiến năm 1797 ở Italy.
Trong trận đánh này, tướng Dumas đã sử dụng con ngựa chết làm lá chắn và chỉ dùng vũ khí duy nhất là thanh gươm để một mình chống lại cả một đội kỵ binh Áo tại cây cầu nhỏ ở làng Klausen để cho 30 đồng đội rút lui. Khi quân tiếp viện đến nơi đẩy lùi quân Áo, họ vô cùng kinh ngạc trước cảnh tượng trước mắt.
Dumas, con trai một quý tộc da trắng Pháp và một phụ nữ da đen, cha của nhà văn Alexandre Dumas nổi tiếng, là tướng da đen đầu tiên của Pháp cũng như tướng 4 sao duy nhất trong một quân đội toàn người da trắng của Napoleon, theo Bussiness Insider.
Sinh ra ở Haiti, Dumas chuyển đến Pháp ở cùng cha khi còn nhỏ và gia nhập quân đội vài năm trước khi cách mạng Pháp nổ ra.
"Dumas có thể không phải nhà chiến lược và chiến thuật thiên tài như hoàng đế Napoleon Bonaparte, nhưng ông là người có năng lực, thông minh, nhiệt huyết và hoài bão. Nếu cuộc Cách mạng Pháp không nổ ra, có lẽ ông kết thúc sự nghiệp nhà binh với cấp bậc trung sĩ thay vì trở thành tướng", sử gia John G. Gallaher viết.
Dumas cũng được biết đến là người có sức mạnh phi thường, đồng thời nổi tiếng với kỹ năng chiến đấu đến mức kẻ thù khiếp sợ và gọi ông là "Quỷ đen". Đây là sức mạnh giúp Dumas một mình chống lại cả đội kỵ binh Áo ở Klausen.
"Tôi nằm đó và hết sức kinh ngạc", Paul Ferdinand Stanislas Dermoncourt, sĩ quan phụ tá của Dumas, người bị thương ở cạnh ông khi đó, nhớ lại. "Tướng Dumas đã giết 7-8 tên địch và khiến khoảng 15 tên khác bị thương", ông nói.
Khi quân chi viện cho Dumas đến nơi, dù bị vài vết thương do bị kiếm chém, ông vẫn nhảy lên ngựa và truy kích quân Áo. "Tướng Dumas đã một mình giết được nhiều kỵ binh địch và một mình ngăn đội kỵ binh địch qua cầu, cầm cự cho đến khi quân tiếp viện đến", Napoleon viết trong bức thư gửi chính quyền cách mạng Pháp để tuyên dương Dumas.
Tuy nhiên, Dumas và Napoleon sau đó không có chung chí hướng. Vài năm sau khi họ đến Ai Cập, Dumas đã chỉ trích hoàng đế vì cuộc xâm lược tại đây và thậm chí đề nghị hồi hương sớm khiến vị hoàng đế tương lai hết sức tức giận.
Khi trở về Pháp, Dumas bị bắt giữ và tống vào tù trong gần hai năm trước khi được thả. Thời gian ngắn sau đó ông qua đời vì thể chất suy yếu sau thời gian bị giam cầm trong tù.
Duy Sơn (Vnexpress.net)