Bao giờ người trồng mía hết phải gặm nhấm vị đắng của cây mía.
Niên vụ mía 2018 - 2019 đã kết thúc, giá thu mua mía nhiều vùng trên cả nước đều ở mức thấp, thậm chí dưới giá thành đầu tư. Không những thế, người trồng mía đang phải gánh chịu tác động “kép” khi vị “đắng” giá mía thêm đắng bởi nhiều doanh nghiệp (DN) vừa ép giá mía tươi nhưng lại vừa ồ ạt nhập hàng trăm nghìn tấn đường thô (đường nguyên liệu) về để tinh chế. |
Kỳ 1: Giá “rớt” đáy, vẫn ồ ạt nhập đường thô Người trồng mía oằn lưng gánh lỗ Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía 2018-2019 trên cả nước có 36/41 nhà máy đường hoạt động, thu mua mía. Đến hết tháng 6-2019, các nhà máy đường đã sản xuất lũy kế ép được 12 triệu tấn mía và sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn đường. Giá mía 10 CCS (chữ lượng đường) tại ruộng ở khu vực phía bắc được các nhà máy thu mua từ 750 đến 900 đồng/kg, miền trung và Tây Nguyên từ 720 đến 800 đồng/kg và miền nam từ 720 đến 800 đồng/kg; giá mua mía 10 CCS tại nhà máy ở khu vực phía bắc từ 930 đến 1.011 đồng/kg, khu vực miền trung và Tây Nguyên từ 800 đến 940 đồng/kg, khu vực miền nam từ 810 đến 850 đồng/kg. Đây là giá mía được thu mua thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây và người nông dân trồng mía đang bị thua lỗ lớn. Sau hơn hai tháng kết thúc vụ thu hoạch mía, đầu tháng 7-2019, chúng tôi có dịp trở lại tỉnh Tây Ninh, nơi đã từng được mệnh danh “vương quốc” mía đường của cả nước. Những trận mưa lớn giữa buổi trưa khiến cho tuyến đường đi vào trung tâm mía thuộc khu vực huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh, càng thêm lầy lội, thêm nồng “vị đắng” với người trồng mía nơi đây. Ông Ngô Minh Chí, trú tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu (Tây Ninh), người đại diện của Hợp tác xã (HTX) Nông Lâm Nghiệp Phước Điền lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài, người dân buộc phải phá bỏ mía. Việc vỡ nợ là chuyện nhãn tiền. Thực tế, HTX Nông Lâm Nghiệp Phước Điền được thành lập từ năm 2011, ban đầu với 27 xã viên, thời kỳ cao điểm phát triển được gần 100 ha mía, nhưng do giá cả chập chờn các xã viên dần bỏ hết và đến niên vụ năm 2017-2018, ông Ngô Minh Chí đã nhận lại toàn bộ (chỉ còn lại 61 ha) diện tích để trồng mía. Ông Chí đã tham gia chương trình của tỉnh Tây Ninh ký kết với tỉnh Svay Riêng (Campuchia) về việc thực hiện thắt chặt liên kết, hợp tác giữa các DN hai tỉnh để phát triển diện tích trồng mía sang nước bạn. Đến niên vụ 2017-2018, ông Ngô Minh Chí đã có được gần 420 ha đất trồng mía (50% diện tích tại Việt Nam và 50% diện tích tại Campuchia). Theo ông Chí, với những chi phí như hiện tại giá mía khoảng 850 đồng/kg thì người trồng có thể ổn định về sản xuất và có lời chút đỉnh, với giá mía thu mua như vừa qua chắc chắn mỗi ha người dân sẽ lỗ từ 12 đến 13 đồng/kg (tương đương khoảng 12 đến 13 triệu đồng/ha). Niên vụ mía 2018-2019, riêng HTX Nông Lâm Nghiệp Phước Điền thu hoạch được hơn 20.000 tấn mía, với giá thu mua của nhà máy, thua lỗ khoảng gần năm tỷ đồng. Đối với người trồng mía tại Tây Ninh, niên vụ 2018-2019 đang rơi vào tình trạng người trồng ít lỗ ít, trồng diện tích lớn càng lỗ càng nhiều. Trong đó, với việc thực hiện chương trình của tỉnh Tây Ninh ký kết với tỉnh bạn với những diện tích đất liền kề nhau đã tạo được nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trồng mía. Cụ thể, giá thuê đất chỉ bằng một nửa giá thuê tại Việt Nam và nhất là diện tích đất lớn rất thuận lợi cho việc cơ giới hóa, tiết giảm chi phí trong đầu tư. Theo tính toán của bà Nguyễn Thị Hiếu Thuận, chủ của hơn 774,5 ha đất trồng mía trên đất Campuchia, giá mía khoảng 800 đồng/kg là có thể bảo đảm được vốn đầu tư. Nhưng với giá mía thu mua của nhà máy năm nay, gia đình tôi đang phải bù lỗ khoảng gần 10 triệu đồng/ha. Tôi tham gia trồng mía từ năm 2012 đến nay, năm hòa hoặc có lời chút đỉnh nhưng tất cả vẫn không đủ bù lỗ cho vụ mía năm nay. Là người ký trực tiếp thu mua và nhận vốn hỗ trợ từ nhà máy đường, bà Thuận cho biết, hợp đồng được ký trong vòng ba năm, với giá thu mua thấp nhất là 900 đồng/kg, do đó niên vụ 2018-2019 gia đình đã mạnh dạn đẩy mạnh diện tích trồng mía từ 264 ha lên 774,5 ha, bình quân lỗ khoảng 10 triệu đồng/ha. Thực tế, tất cả lỗ, lãi đều phụ thuộc vào nhà máy. Giá đường trong nước giảm sâu do nhập đường thô? Giá mía giảm sâu cũng đang khiến cho người trồng mía ở khu vực miền trung thua lỗ nặng nề. Tại Phú Yên vừa kết thúc niên vụ mía đường 2018 - 2019 với diện tích toàn tỉnh có 28.000 ha mía, giá thu mua thấp, đường tồn kho nhiều, vụ ép mía kéo dài, nhiều hộ nông dân phải chấp nhận phá mía để giải phóng đất. Thậm chí một số hộ nông dân phải bán bò để lấy tiền trả công chặt mía để chuyển sang trồng sắn, nguy cơ phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng ở vụ sau. Trong đó, huyện Sông Hinh - nơi có vùng nguyên liệu mía lớn thứ hai của Phú Yên (sau huyện Sơn Hòa), vụ này có 5.000 ha mía. Theo phân vùng của Ban chỉ đạo mía đường tỉnh Phú Yên, địa bàn Sông Hinh thuộc vùng nguyên liệu mía của Công ty CP mía đường Tuy Hòa. Năm nay, Nhà máy đường Tuy Hòa đi vào hoạt động chạy máy chậm hơn mọi năm, dù người trồng mía có hợp đồng bao tiêu với nhà máy nhưng vẫn phải chịu thiệt. Ngay trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giá thu mua mía cũng khá chênh lệch nhau. Tại khu vực Nhà máy đường Tuy Hòa giá thấp, chỉ 750.000 đồng/tấn mía 10 CCS nhưng ở huyện Sơn Hòa và huyện Đồng Xuân, thuộc vùng nguyên mía của Công ty TNHH KCP Việt Nam thu mua cho nông dân với giá 850.000 đồng/tấn mía 10 CCS. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly, huyện Sông Hinh kiến nghị: So sánh giá của Nhà máy đường Tuy Hòa thì rõ ràng là thấp. Mong rằng Ban điều hành mía đường huyện Sông Hinh cũng như Ban điều hành mía đường tỉnh Phú Yên có sự điều chỉnh về giá làm sao chỉ chênh lệnh nhỏ thôi để nông dân ổn định đời sống. Thực tế, ở Phú Yên để giải phóng đất làm vụ sau, nhiều người phải đi vay nóng để thuê nhân công chặt mía, đành phải bán bò trả nợ. Ngay gia đình Mí Xuyên ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh có 3 ha mía đang thu hoạch. Thường thì mọi năm mía nhà máy thu mua trước Tết Nguyên đán, nhưng năm nay Nhà máy đường Tuy Hòa sau Tết mới chạy máy, mía thu hoạch muộn. Gia đình phải đi vay nóng chín triệu đồng để thuê công chặt mía. Giá mía quá thấp, chỉ 750 nghìn đồng/tấn không đủ tiền trả nhân công, gia đình Mí Xuyên đành bán thêm một con bò 10 triệu đồng để trả nợ. Theo tính toán của Mí Xuyên, nhân công chặt mía mùa này rất hiếm, phải trả tiền tại chỗ họ mới làm cho mình, mía bán chưa được nên phải vay thôi, nhưng khi bán mía rồi lỗ vốn phải bán bò trả nợ, không thì lãi cao lắm… Tiền phân bón, tiền công thu hoạch tăng nhưng muốn tìm lao động chặt mía không dễ. Chỉ có hộ nào trả tiền mặt ngay mới hy vọng tìm được người chặt và vận chuyển mía lên xe. Để thu hoạch mía 1 ha là đến 14 triệu đồng. Thực tế, nhà máy thu mua tại huyện Sông Hinh giảm chỉ còn 750.00 đồng/tấn, năng suất lại giảm từ 30 đến 50% nên mỗi ha mía nhiều hộ lỗ đến hơn 20 triệu đồng. Trước thực trạng giá mía đường đang quá thấp, người dân phải bù lỗ lớn thế nhưng đã có một nghịch lý diễn ra là trong các tháng đầu năm 2019 các DN ngành mía đường lại ồ ạt nhập khẩu đến gần 200.000 tấn đường thô (đường nguyên liệu) về chế biến. Theo báo cáo số 57/BCT-HHMĐ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 30-4-2019 cả nước có ba nhà máy nhập khẩu (lũy kế đến thời điểm báo cáo) là 193.612 tấn đường thô. Cụ thể, Nhà máy BHS Ninh Hòa nhập khẩu 19.459 tấn, Nhà máy TTC-Biên Hòa (TTCS) nhập 58.946 tấn, TTC BH-ĐN (NM luyện) nhập khẩu 115.207 tấn. Trong khi đó, tổng số cả ba nhà máy này niên vụ 2018-2019 chỉ đưa vào ép được hơn 1,4 triệu tấn mía, với sản lượng đường là 125.776 tấn các loại. Phân tích về nghịch cảnh nhập khẩu đường thô, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch Ủy ban mía đường Thành Thành Công, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, giá mía trong nước phải phụ thuộc vào giá đường trong nước. Việc nhập khẩu đường thô là cạnh tranh trực tiếp với giá mía của nông dân. Việc ồ ạt nhập khẩu đường thô chính là tác nhân kéo giá đường trong nước giảm sâu và đang ảnh hưởng trực tiếp với ngành mía đường trong nước. Thực tế, đường trong nước những năm gần đây luôn phải cạnh tranh bởi giá đường nhập lậu vì vậy đường ngày càng bị ép giá. (Còn nữa) Bài & Ảnh: Viết Đoàn, Anh Kế, Tân Kiên (Báo Thời Nay) |