Không hàng rào che chắn, không có bất cứ bảng biển nào cảnh báo hay thông tin về công trình xây dựng... đang là tình trạng diễn ra tại công trình Tower B&L (số 33 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh), do Công ty CP Đầu tư B&L làm chủ đầu tư. Dư luận lên tiếng: Liệu đây có phải là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý công trình xây dựng của phía cơ quan chức năng?
Công trình xây dựng tòa nhà Tower B&L nằm ngay mặt tiền số 33 đường Ung Văn Khiêm, giáp với chợ tạm, góc trục đường chính, có số lượng lớn người, xe lưu thông qua lại, chưa kể đến các giờ cao điểm, là nút thắt giao với ngã ba, ngã tư, tình trạng nơi đây thường xuyên kẹt xe, ùn tắc...
Thế nhưng, công trình xây dựng tòa nhà Tower B&L không hề có hàng rào che chắn, không có bảng biển thông tin công trình hay bảng biển cảnh báo công trình đang thi công.
Công trình xây dựng tòa nhà Tower B&L 12 tầng không hề có hàng rào che chắn, không có bảng biển thông tin công trình hay bảng biển cảnh báo công trình thi công
Chiều 16/6, tại đoạn đường trước tòa nhà Tower B&L đang thi công kẹt cứng người, xe cộ bị ùn tắc, nhưng tại công trình này hiện có nhiều công nhân vẫn tiến hành thi công hàn xì, xây gạch, trộn bê tông khiến nhiều người qua lại luôn ái ngại, lo sợ không biết có khi nào tai nạn “từ trên trời rơi xuống” hay không?
Công trình cao tầng ngay trên trục đường thường xuyên kẹt xe
Chị Trần Bích T. buôn bán lẻ tại chợ tạm bên cạnh công trình Tower B&L lo lắng: “Công trình này làm cũng lâu rồi, nhưng không che chắn gì cả, chúng tôi buôn bán cạnh công trình cao tầng không an toàn thế này thì rất lo sợ, nếu lỡ bị thanh sắt, thép hay đá rơi trúng thì không biết sẽ ra sao”.
Đứng bên làn đường bị kẹt xe tại đoạn đường công trình tòa nhà Tower B&L đang thi công, anh Nguyễn Hùng Cường - một người dân đi đường, bức xúc: “Ngày nào lưu thông trên đường này tôi cũng rất lo sợ, công trình lớn xây dựng nhiều tầng mà không hề che chắn gì cả, sẽ rất nguy hiểm cho người dân qua lại, không chỉ cho người đi đường mà cả công nhân đang thi công. Cơ quan chức năng ở đâu mà để tình trạng này diễn ra trong suốt thời gian dài? Cần phải xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn trong xây dựng này!”.
Không hàng rào che chắn, bảng biển... nhiều người dân lo sợ vật liệu xây dựng từ công trình tòa nhà Tower B&L rơi xuống gây tai nạn
Liên hệ theo số điện thoại treo trên tòa nhà, người tên Bắc giới thiệu là quản lý công trình trực tiếp tư vấn cho khách có nhu cầu thuê văn phòng. Ông Bắc cho hay: Tower B&L mới xây dựng bao gồm 12 lầu, 2 tầng hầm và 600m2 bãi đậu xe trước tòa nhà. Diện tích mỗi sàn (đã trừ WC, thang máy,...) là 284m2 và 60m2 ban công. Giá thuê 18,5 USD/m2 chưa bao gồm thuế. Công trình đã thi công hơn 1 năm nay, còn gần tháng nữa là hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Khi được hỏi về chủ đầu tư xây dựng tòa nhà, ông Bắc cho rằng: “Khách hàng không cần phải biết chủ đầu tư là ai, công trình đã có pháp nhân, đảm bảo mọi thủ tục nên cứ yên tâm”.
Công trình cao tầng "chềnh ềnh", ngang nhiên xây dựng không an toàn trong thời gian dài, nhưng phía cơ quan chức năng làm ngơ?
Vấn đề khiến dư luận quan tâm ở đây là, một công trình xây dựng đến 12 tầng nổi, 2 tầng hầm, nằm ngay mặt tiền đường lớn nơi có rất nhiều người, xe lưu thông qua lại, tiếp giáp ngã ba, ngã tư, chợ dân sinh, khu dân cư... mà không hề có hàng rào, lưới che chắn an toàn, công nhân không có đồng phục, mũ bảo hộ... nguy hiểm luôn rình rập, trực chờ đối với người đi đường và cả công nhân.
Tuy nhiên, công trình vẫn ngang nhiên thi công trong suốt thời gian dài, vậy trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở đâu, khi những sai phạm của công trình ai nhìn cũng thấy, vẫn tồn tại? Có phải chủ đầu tư công trình tòa nhà Tower B&L đang xem thường tính mạng con người, coi thường luật pháp không?
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trong xây dựng, nguyên nhân lớn do công trình xây dựng không che chắn an toàn nên vật liệu, phương tiện thi công từ các công trình xây dựng rơi trúng người dân đi đường gây tử vong.
Điển hình như trường hợp khung sắt khá lớn tại công trình đang thi công trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đã rơi từ trên cao xuống trúng 02 người đang đi xe máy làm một người phụ nữ tên Dương Thị H (sinh năm 1987, quê Bắc Ninh) tử vong tại chỗ và một nạn nhân khác bị thương nặng.
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vụ khung sắt khá lớn tại công trình đang thi công trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) rơi từ trên cao xuống khiến chị Dương Thị H quê Bắc Ninh (sinh năm 1987) tử vong
Đầu năm 2018, tại thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) xảy ra vụ tai nạn làm tử vong một người đàn ông do bất ngờ bị một thanh sắt từ trên tầng 4 của tòa nhà đang thi công rơi xuống đâm thủng nóc xe hơi.
Không chỉ gây tử vong đối với người đi đường mà chính công nhân thi công trong những công trình xây dựng cũng trực tiếp bị thiệt hại... Cuối tháng 9/2018 tại Trung tâm thương mại trên đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP.HCM) có tới 3 công nhân đang thi công bị rơi xuống đất, chấn thương nặng do công trình không đảm bảo an toàn trong xây dựng.
Gần đây nhất, đầu năm 2019 tại đường Châu Thị Tế (thành phố Châu Đốc, An Giang) đã xảy ra vụ tai nạn lao động trong xây dựng công trình làm 02 người chết.
Đây chỉ là số ít trong nhiều vụ tai nạn có liên quan đến các công trình xây dựng cao tầng xảy ra trong thời gian vừa qua. Phần lớn do không đảm bảo an toàn từ công trình xây dựng, không chấp hành quy định về an toàn lao động, an toàn trong xây dựng nhà cao tầng tại các khu dân cư đông người, tại các trục đường chính, gần chợ...
Thực tế còn cho thấy, nhiều vụ tai nạn liên quan đến các công trình xây dựng cao tầng có nguyên nhân là do quản lý còn buôn lỏng, tắc trách, chủ quan; đối với chủ đầu tư đôi khi bất chấp sự giám cơ quan chức năng, không thực hiện đúng quy trình vận hành, quy tắc an toàn, coi thường tính mạng của người dân.
Luật sư Hồ Minh Thanh - Đoàn luật sư TP. HCM cho rằng:
các quy định pháp luật hiện hành đã quy định rõ công trình xây dựng buộc phải đảm bảo an toàn cho những người dân sống xung quanh. Nếu chủ đầu tư và nhà thầu phớt lờ các quy định an toàn, gây nguy hiểm cho người dân dẫn đến chết người, cơ quan chức năng cần xem xét xử lý tội “vô ý làm chết người”, chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm dân sự. Có như vậy, mới đủ sức răn đe, buộc các chủ đầu tư và nhà thầu không thể xem nhẹ tính mạng của người dân và tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Nguyễn Kiên - Quỳnh Hương (thuonghieucongluan.com.vn)