Bà Đỗ Thị Minh Thọ (cư ngụ tại số 69/6 Đề Thám, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) đã gửi đơn phản ánh việc UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi đất từ tháng 05/2007 giao cho doanh nghiệp làm Dự án Khu Du lịch - Dân cư Bắc và Nam Bãi Trường ở huyện Phú Quốc nhưng bồi thường, hỗ trợ cho người dân rẻ mạt và trái quy định.
Khu đất chiều ngang 173m cặp đường tỉnh 975 của bà Thọ tại Phú Quốc với mức đền bù rẻ mạt
Theo bà Thọ, bà có thửa thứ nhất số 176, tờ bản đồ số 57 có diện tích 55.956,3m2 có nguồn gốc do ông Lê Văn Út khai hoang từ năm 1990 (có xác nhận của ông Nguyễn Văn Đẹp, Trưởng ban ấp Đường Bào ký ngày 25/12/1999) tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cuối năm 1999, ông Út bán lại cho ông Đặng Hoàng Anh canh tác, đến năm 2010 ông Hoàng Anh chuyển nhượng lại cho bà. Và thửa thứ hai số 174, tờ bản đồ số 57, diện tích 52.631m2 có nguồn gốc do ông Trần Văn Cường khai hoang vào năm 1993 (có xác nhận của ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban ấp Đường Bào ký ngày 25/11/1993). Năm 2010, ông Cường chuyển nhượng lại cho bà. Hai diện tích đất này chủ yếu trồng đào và tràm bông vàng.
Khi ký hợp đồng chuyển nhượng, các bên đều làm giấy ủy quyền "Bà Thọ là người được nhận số tiền bồi thường thiệt hại và các khoản hỗ trợ…" khi Nhà nước thu hồi đất và đều có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Trần Văn Thọ và đóng dấu Ủy ban vào tháng 08/2010.
Căn cứ Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 24/05/2007 của UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi đất và giao cho UBND huyện Phú Quốc lập phương án bồi thường thực hiện quy hoạch xây dựng Dự án Khu Du lịch - Dân cư Bắc và Nam Bãi Trường tại xã Dương Tơ và thị trấn An Thới. Tuy nhiên đến tháng 12/2015, UBND huyện Phú Quốc mới ban hành quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình. Nhưng phải đến tháng 05/2017, các hộ dân mới nhận được quyết định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng ký.
Tuy nhiên, các hộ dân lại không nhận được quyết định về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Theo đó, các hộ dân cho rằng UBND huyện Phú Quốc đã coi thường người dân khi đáng lẽ ra phải có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, không đồng ý; số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền... trước khi thu hồi đất.
Bà Thọ bức xúc cho biết, thửa đất 174, diện tích 52.631m2 của bà bị thu hồi tháng 12/2015, đến tháng 05/2017 bà mới nhận được quyết định bồi thường, hỗ trợ…là không thỏa đáng. Còn thửa đất 176, diện tích 55.956,3m2 giáp ranh thửa 174, gia đình bà chỉ nhận được Thông báo lần 3 của Ban Bồi thường - Hỗ trợ và Tái định cư huyện Phú Quốc vào ngày 27/11/2017 với số tiền bồi thường vỏn vẹn 185.250.600đ? "Đất có nguồn gốc rõ ràng, khai hoang từ năm 1990, nằm cặp đường tỉnh 975 (lộ nhựa từ thị trấn Dương Đông đi An Thới) có chiều ngang 173m mặt tiền, tại sao bồi thường chỉ có bấy nhiêu tiền?", bà Thọ thắc mắc.
Được biết, giá trị của hai khu đất của bà Thọ rất lớn, nhưng khi thu hồi để giao cho doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Gia Phú Quốc (đến tháng 12/2017, Công ty này chuyển đổi sang Công ty TNHH 2 thành viên) và sau khi chuyển nhượng lại cổ phần của các cổ đông cho Công ty Trâm Anh (quận 1, TP.HCM). Tháng 04/2018, Công ty Trâm Anh ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hưng Phú (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với giá trên 352 tỷ đồng...
Nhiều người dân địa phương bày tỏ hồ nghi và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ bởi dự án nói trên kéo dài nhiều năm chưa thấy triển khai và đã được mua đi bán lại trong khi quyền lợi của người chưa đảm bảo.
Công Lý (baophapluat.vn)