Một mỏ đá sâu hàng trăm mét nằm sát đường, xung quanh là khu dân cư sinh sống đang khai thác rầm rộ. Ngày ngày những người dân tại đây phải hít khí bụi từ đá, xe ben… khiến cuộc sống của họ đảo lộn, đối mặt nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Dân kêu vì ồn và bụi
Có mặt tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương trong những ngày đầu tháng 5/2018, PV báo điện tử Người Đưa Tin ghi nhận, liên tục hàng loạt các loại xe ben chở đá nối đuôi nhau chạy thẳng ra tuyến Quốc lộ 1K rồi đổ đi TP.HCM, Đồng Nai và một số huyện thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo ghi nhận, khu vực mỏ đá này hiện đang có các doanh nghiệp như công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB); công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2; công ty Trung Thành, công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương đang hoạt động thăm dò và khai thác.
Đi vào khu vực mỏ đá trên có một đến hai con đường, nhưng khu vực xung quanh tồi tàn vì bụi. Từ Quốc lộ 1K vào mỏ đá sẽ dễ dàng bắt gặp ngay biển của công ty KSB, sâu bên trong là các nhà dân và cuối cùng là công trường nơi hàng ngày các chuyến xe ben vẫn ra vào tấp nập để vận chuyển đá đi bán.
Theo phản ánh của người dân, hàng ngày có đến vài chục chiếc xe ben chạy qua lại mỏ đá này để lấy hàng chở đi, các cánh cửa nhà dân luôn phải bịt kín 24/24, phải nói hàng ngày người dân “ăn chung, ngủ chung” với bụi.
“Nhiều năm rồi chúng tôi phải chịu cảnh bụi đá và tiếng ồn từ xe ben liên tục tấp nập chạy qua. Lâu lâu theo định kỳ thì tiếng mìn nổ lại vang lên. Cũng đã nhiều lần các hộ dân ở đây kiến nghị lên chính quyền nhưng đâu lại vào đấy” một người dân xin giấu tên cho biết.
Người này cũng thông tin rằng, trước đó vào năm 2017 khu vực mỏ đá trên đã hết hạn khai thác và phải đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn hoạt động rầm rộ, xe cộ ra vào thường xuyên để chở đá.
Sau khi dân phản ứng liên tục chính quyền địa phương có tổ chức họp khu phố cho bà con ý kiến về chủ trương khai thác mỏ đá và thực trạng cuộc sống của người dân. Một vài hộ bị ảnh hưởng nặng nề kiến nghị liên tục và yêu cầu không gia hạn cho mỏ đá này tiếp tục hoạt động sau khi hết thời hạn, nhưng đến nay tỉnh Bình Dương vẫn cho các doanh nghiệp tiếp tục khai thác.
Tiếp tục khai thác, vì phát triển hay lợi nhuận?
Trong kỳ họp tháng 6/2018, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức kỳ họp bất thường, thông qua điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản tại hai cụm mỏ đá “khủng” nhất khu vực Đông Nam Bộ giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn tới 2030.
Theo đó, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, có diện tích gần 45ha, được gia hạn khai thác sâu cote tới -150m (trước đó từng đề xuất là -120m); cụm mỏ đá Núi Nhỏ, diện tích hơn 27ha, đề xuất gia hạn khai thác sâu cote tới -130m (cũ là -100m). Thời gian gia hạn khai thác với cả 2 cụm mỏ đá này là tới hết 31/12/2019 (cũ là tới hết năm 2017).
Sau khi tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương được Hội đồng Nhân dân thông qua và gửi ra bộ Tài nguyên Môi trường chờ xét duyệt, thì nhiều người dân và dư luận lo ngại về tác động môi trường và những hệ lụy trước mắt như bụi, tiếng ồn trong những năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân nơi đây. Đặc biệt, nhiều người dân chịu không nổi cảnh ô nhiễm đã bán rao bán nhà, đường sá xung quanh luôn bụi mịt mù.
Trong kỳ họp cuối năm 2018, lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho rằng, việc tiếp tục cho khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp, mỏ đá Núi Nhỏ trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương là do nhu cầu cần vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và nhằm khai thác đối đa tài nguyên có sẵn, hạn chế việc phải mua tài nguyên từ bên ngoài.
Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực mỏ đá Tân Đông Hiệp ngoài công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 3 - 2, công ty Cổ phần Xây dựng Trung Thành và công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương đang khai thác, thì chủ lực và nắm nhiều khu vực nhất trong mỏ đá vẫn là công ty Cổ phần Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương.
Đây được xem là “mỏ vàng” của công ty Cổ phần xây dựng và Khoáng sản Bình Dương, trước khi mỏ đá tạm dừng khai thác, mỏ Tân Đông Hiệp từng đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu của KSB.
Năm 2018, KSB đặt mục tiêu 1.168 tỷ đồng và lợi nhuận 400 tỷ đồng trong năm 2018. Trước đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018, doanh thu ước đạt 252 tỷ đồng, lãi trước thuế 87,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 69 tỷ đồng. KSB xác định mục tiêu chiếm 60% thị phần trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trong 5 năm sắp tới bằng cách mua thêm mỏ mới…
Hiện nay, công ty Cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (HoSE: DRH - DRH Holdings) hiện là cổ đông lớn nhất của công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HoSE: KSB) sau 3 lần thực hiện mua vào KSB, ước tính DRH đã chi ra tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng.
Cho tới nay, DRH đã nắm giữ gần 14,5 triệu cổ phiếu KSB, tương ứng 26,9% vốn KSB. DRH là cổ đông lớn nhất của công ty khoáng sản này và nhận nguồn thu lợi nhuận liên tục.
Phùng Sơn (nguoiduatin.vn)