Từ một công ty xây lắp với vốn điều lệ 8 tỷ đồng, Hải Phát đã trở thành tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản nhờ những thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trồi sụt trong khi nợ vay ngày càng phình to ngang ngửa số vốn chủ sở hữu khiến cho nhà đầu tư quan ngại. Chưa kể, nhiều dự án của Hải Phát vướng tai tiếng.
Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – Mã: HPX) được doanh nhân Đỗ Quý Hải thành lập năm 2003, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực vận tải và nhà thầu quy mô nhỏ. Với 7 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của Hải Phát Invest xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, gấp 250 lần so với ban đầu.
Sau 15 năm phát triển, đặc biệt trong 3 năm trở lại, Hải Phát trở thành cái tên đình đám trong làng địa ốc Thủ đô nhờ sở hữu được quỹ đất lên tới gần 10 ha qua đấu giá, mua lại tại khu vực quận Hà Đông với hàng loạt dự án lớn như: The Pride, dự án nhà phố thương mại 24h, The Vesta, khu đô thị mới Phú Lương, HPC Landmark 105.
Doanh nhân Đỗ Quý Hải
Từ năm 2017 Hải Phát Invest liên tục gia tăng quỹ đất ở khu vực phía Tây và các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận…
Theo kế hoạch giai đoạn 2019 – 2023 của Hải Phát Invest thì giai đoạn này quỹ đất của Công ty sẽ được mở rộng lên hơn 19.400 ha trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt hai tỉnh Thái Bình và Nam Định chiếm tới gần 58% tổng quỹ đất.
Quỹ đất lớn, song bức tranh lợi nhuận và doanh thu của Hải Phát vẫn còn bộc lộ nhiều điểm cho thấy sự thiếu bền vững trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp.
Lộ diện khối nợ vay và tồn kho nghìn tỷ
Nhìn vào bức tranh lợi nhuận của Hải Phát trong những năm vừa qua, lợi nhuận của Hải Phát có sự tăng trưởng mạnh từ mức 157 tỷ đồng năm 2015 thì hết năm 2018 đã lên tới 452 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận (CAGR) giai đoạn này lên tới hơn 30%/năm.
Theo kế hoạch đặt ra cho năm 2019, Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải đạt 4.294 tỷ đồng doanh thu và 720 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng doanh thu gấp hơn 2 lần năm 2018 còn lợi nhuận gấp 1,6 lần.
Đặt ra mục tiêu “khủng” cho năm 2019 nhưng kết thúc quý I/2019 doanh thu của công ty mới chỉ đạt 335 tỷ đồng, lãi sau thuế 18 tỷ đồng; tương ứng chỉ thực hiện được 8% kế hoạch doanh thu và 2,5% lợi nhuận cả năm.
Còn nếu so với kết quả thực hiên của cùng kỳ năm ngoái, con số lợi nhuận quý I/2019 của Hải Phát giảm lãi hơn 87% trong quý đầu năm và doanh thu giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, tại thời điểm 31/3, giá trị hàng tồn kho của công ty đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,5 lần so với đầu năm và gấp hơn 4 lần tại thời điểm cuối năm 2017. Hàng tồn kho chủ yếu đến từ 5 dự án, gồm: dự án Phú Lãm, dự án Hải Phát Plaza, dự án Phú Lương, dự án Trâu Quỳ, dự án Phú Hài, trong đó đáng kể nhất là dự án Phú Lãm, dự án Hải Phát Plaza và dự án Phú Hài.
Doanh thu và lợi nhuận giảm, song tổng số nợ phải trả tăng từ hơn 4.840 tỷ đồng lên gần 4.970 tỷ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gần 300 tỷ đồng.
Không chỉ trong quý vừa qua, nếu xét trong giai đoạn 2015 – 2018, tổng nợ của Hải Phát Invest tăng từ mức 3.361 tỷ đồng năm 2015 lên tới 4.840 tỷ đồng vào cuối năm 2018, tăng gần 45%.
Trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp, nợ vay chiếm tỷ trọng lớn và có sự gia tăng nhanh trong những năm gần đây.
Cụ thể, cuối năm 2016, tổng nợ đi vay của Công ty chỉ là 1.173 tỷ đồng thì tới ngày 31/3/2019 con số này đã lên tới 2.331 tỷ đồng, trong đó có 1.700 tỷ đồng là vay từ phát hành trái phiếu cho các ngân hàng. Số này vay này ngang ngửa vốn chủ sở hữu gần 2.592 tỷ và chiếm trên 30% tổng tài sản của doanh nghiệp
Bao giờ cho hết tai tiếng?
Trên thực tế, Hải Phát Invest là chủ đầu tư của hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ chủ yếu tập trung tại khu vực Hà Nội và thời gian gần đây trải dài ra nhiều tỉnh thành khác từ Bắc vào Nam trên cả nước.
Một số dự án do Hải Phát thực hiện được thị trường biết đến trong thời gian qua như dự án Khu đô thị Văn Phú, Khu đô thị Tân Tây Đô, Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ The Pride, Hải Phát Plaza,…
Tuy nhiên, rất nhiều trong số những dự án đã và đang hoạt động của Hải Phát đều dính những “sự cố” lùm xùm khiến dư luận không khỏi quan tâm.
Dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm – Hà Đông) là một trong số đó. Cụ thể, Hải Phát Invest dính vào lùm xùm quanh sự việc khách hàng từ chối nhận nhà tại dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm – Hà Đông) do căn hộ không đúng như mô tả, tư vấn và cả hợp đồng trước đó.
Dự án này có quy mô 4,51 ha, tổng vốn đầu tư 1.756 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 5/2015 và dự kiến bàn giao vào quý II/2019. Thậm chí dự án này còn được vinh danh tại Giải thưởng quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 cho dự án tốt nhất.
Dân cư The Pride chất vấn đại diện chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát về chất lượng dịch vụ, cũng như an ninh của các tòa nhà.
Trước đó, cư dân chung cư The Pride do Hải Phát làm chủ đầu tư tại phường La Khê (Hà Đông, Hà Nội) đã lên tiếng “tố” chủ đầu tư Hải Phát về hàng loạt vi phạm cũng như sự cố xảy ra nhưng kéo dài không được khắc phục, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân. Hàng trăm cư dân của chung cư The Pride Hải Phát (phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội) đã họp bàn, chất vấn chủ đầu tư về hàng loạt bất cập đang liên tục xảy ra tại dự án này.
Các sự cố như: Thang máy rơi tự do và hỏng liên tục quanh năm; Bể phốt vỡ thường xuyên làm mùi hôi thối nồng nặc theo thang máy lên các tầng; Tiền phí bảo trì của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư khất lần hơn 3, 4 năm; Tự ý cắt xén các hạng mục tiện ích của căn hộ dù đã ghi rõ trong hợp đồng… gây bức xúc cho các cư dân sinh sống tại dự án.
Thời điểm 7/2018, cư dân các tòa chung cư HHB và CT2A-B, khu đô thị mới Tân Tây Đô của chủ đầu tư Hải Phát Invest đã “nhuộm đỏ” khu đô thị mới Tân Tây Đô bằng băng rôn “đòi” nước sạch…
Người dân khu đô thị mới Tân Tây Đô treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho cư dân.
Mới đây nhất, Công an tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đề nghị xử lý Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát (công ty con của Hải Phát Invest).
Huyền Anh (danviet.vn)