Hiện tại, bên bán vẫn “nắm đằng chuôi” quyết định giá điện là bao nhiêu chứ bên mua không có quyền tác động.
Bộ Công Thương vừa công bố giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điều chỉnh là từ hôm qua (1-12).
Trong đó, riêng đối với giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, biểu giá điện chia thành sáu bậc có mức giá tăng dần.
Giá hàng hóa có thể “té nước theo mưa”
Trước việc tăng giá điện, cả người dân lẫn doanh nghiệp (DN) đều lo lắng sẽ kéo theo bão giá vào dịp cuối năm và Tết. Bởi theo tính toán, với biểu giá điện chia thành sáu bậc với mức giá tăng dần thì chỉ những người sử dụng dưới 100 kWh mới được hưởng giá điện dưới mức giá bán lẻ điện bình quân. Còn lại, đại đa số người tiêu dùng (NTD) phải trả tiền cao hơn giá bán lẻ điện bình quân.
Chị Lan Hồng (nhà ở quận 12, TP.HCM) cho biết khi giá điện tăng 6,08%, tính ra gia đình chị mỗi tháng phải trả thêm khoảng 200.000-300.000 đồng. “Hiện tại người dân đã vất vả vì viện phí, học phí… tăng, nay lại thêm tiền điện tăng. Các mặt hàng tiêu dùng tới đây cũng sẽ “té nước theo mưa” tăng theo, trong khi thu nhập của những thành viên trong gia đình không tăng” - chị Hồng thở dài.
DN sản xuất, kinh doanh cũng bị tác động mạnh từ việc tăng giá điện, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng lượng điện lớn như thép, xi măng, dệt may, nhựa, thủy sản. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt, nói chi phí điện chiếm rất lớn trong tổng chi phí sản xuất thép. Tăng giá điện đồng nghĩa DN phải tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng theo.
Thu tiền điện tại một khu dân cư ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD
“Đáng lo ngại nhất là giá thành sản xuất thép trong nước sẽ tăng, đẩy giá bán sản phẩm của DN Việt cao hơn giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Lúc này ngành thép Việt nguy cơ sẽ trở lại thời nhập khẩu ồ ạt, DN trong nước thua hàng nhập khẩu giá rẻ ngay trên sân nhà và đẩy nhiều công nhân thất nghiệp” - ông Thái lo lắng.
Đối với ngành cao su và nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TP.HCM, tính toán chi phí điện chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất. Do vậy, giá điện tăng 6,08% sẽ tác động trực tiếp, đẩy giá thành của các sản phẩm cao su, nhựa tăng lên 0,3%-0,6%.
Nhưng không dừng lại ở đó, giá thành sản xuất mặt hàng này sẽ còn tăng cao hơn vì những nhà cung cấp đầu vào khác cũng tăng do họ cũng chịu tác động từ giá điện tăng. Như vậy khi giá điện tăng, DN buộc phải tăng giá thành trên 1%.
“Không chỉ gặp khó trong nước mà xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. DN chịu thiệt, giảm lợi nhuận vì nếu bán giá cao thì mất khách hàng, mất đối tác” - ông Anh nói.
Không nên xem giá điện là tài liệu mật Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia đến từ Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện đã có bước tiến về minh bạch. Tuy vậy, vẫn có thể tiến bộ hơn để đảm bảo tính minh bạch hơn nữa. Theo đó, ông Đức cho rằng có hai khía cạnh có thể giúp đáp ứng tốt hơn tính minh bạch. Thứ nhất, việc đi kiểm tra giá điện đã có mặt của cả bên bán và bên mua điện, song quyết định tăng bao nhiêu % thì chỉ do bên bán điện quyết. Có thể cải thiện tính minh bạch bằng cách cho phép bên mua tham gia vào việc này. Thứ hai, theo ông Đức, quy định hiện nay, tài liệu về phương án giá điện hiện vẫn nằm trong “diện” tài liệu bí mật. Do đó cần thay đổi, không nên để cơ chế mật với phương án giá điện. |
Vì sao EVN lãi, giá điện vẫn tăng?
Chiều 1-12, Bộ Công Thương gặp mặt báo chí thông tin chi tiết về việc tăng giá điện bán lẻ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương, giải thích việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi tổ công tác liên bộ. Trong đó, tổ công tác đã xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào (tỉ giá, nguồn phát điện…).
Ông Tuấn cũng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy việc tăng giá điện làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 ở mức 0,08%.
Thế nhưng một điều được cơ quan báo chí đặt ra với Bộ Công Thương là tại sao lại tăng giá điện trong bối cảnh tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016 của EVN lãi 2.658,20 tỉ đồng (riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỉ đồng). Ông Nguyễn Anh Tuấn lý giải: Dù năm 2016 EVN kinh doanh có lãi nhưng đơn vị này vẫn còn treo một khoản lỗ chênh lệch tỉ giá từ các năm trước đó với mức 9.000 tỉ đồng và đây là áp lực lớn đối với ngành điện.
“Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỉ đồng đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Trong đợt điều chỉnh giá điện này, chúng tôi cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỉ giá vào trong giá thành. Theo quy định thì khoản lỗ này phải đưa hết vào giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ không làm như vậy và chỉ đạo Bộ Tài chính cho phép EVN được giãn ra khoản lỗ này theo từng năm. Dự kiến đến năm 2020, khoản lỗ 9.000 tỉ đồng này sẽ được xử lý xong” - ông Tuấn nói.
Hỗ trợ người nghèo Ông Nguyễn Anh Tuấn Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho biết việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các hộ kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%; tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp với mức 4,97%. Đối với khách hàng sinh hoạt thì áp dụng sáu biểu giá bậc thang nên tác động là khác nhau. Cụ thể, với hộ dùng 50 kWh/tháng tăng 3.250 đồng. Hộ dùng 50-100 kWh, mức tăng thêm là 6.600 đồng. Hộ dùng 200 kWh/tháng phải trả thêm 13.800 đồng. Với hộ dùng 300 kWh/tháng thì mức tăng thêm là 23.600 đồng. Cuối cùng, hộ dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm 34.800 đồng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các hộ nghèo, chính sách mức 50 kWh của bậc thang đầu tiên, tương đương hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, chính sách khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. |
Phải bỏ áp đặt giá điện Giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến DN và giá cả hàng hóa khác. Chúng tôi không được tham gia quyết định giá bán, nếu được tham gia thì còn minh bạch hơn vì chúng tôi là đại diện khách hàng. Giá cả cần được người mua và người bán thỏa thuận, người mua được mặc cả chứ không chỉ riêng người bán đưa ra giá và người mua phải chấp nhận mức giá đó. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam Xóa độc quyền dân mới được nhờ Việc tăng giá điện cho thấy một phần do quản lý của ngành điện chưa tốt, hao hụt điện còn lớn dẫn đến phải tăng giá, lấy tiền của DN ngoài ngành và NTD để bù lỗ cho mình. Đặc biệt, sau các biện pháp quyết liệt của Chính phủ và các DN để hạ chỉ số giá tiêu dùng (CPI), người dân vừa được hưởng lợi thì lại đối mặt với khả năng giá một số mặt hàng thiết yếu có thể sẽ tăng trở lại. Giá điện tăng, NTD phải gánh chịu. Việc tăng giá có thể gây khó khăn hơn cho DN trong sản xuất, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, để phát triển bền vững không thể tiết chế cầu về điện. Vì vậy cần phải cải thiện mạnh mẽ từ phía cung, tức ngành điện, chứ không phải chỉ tiết chế cầu thông qua tăng giá. Lý do tăng giá thường rất dễ được đưa ra trong trường hợp nhà cung cấp là độc quyền. Nếu không độc quyền, họ sẽ không tăng giá mà tăng sản lượng. Do đó, để tăng động lực cung cấp điện cần tạo ra môi trường cạnh tranh. Khi có cạnh tranh, các vấn đề như lãng phí, quản lý kém, o ép NTD... sẽ giảm đi, đồng thời sản lượng điện sẽ tăng trong khi sức ép tăng giá có thể lại giảm bớt. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu |
Theo Quang Huy - Trà Phương (plo.vn)
http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/gia-dien-tang-lo-con-bao-gia-ap-toi-742835.html