Nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam ( ngày 21/06/2017), Báo BVPL đã phỏng vấn TS - NB Dương Thanh Biểu; Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, nguyên TBT đầu tiên của Báo Bảo vệ pháp luật
Nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam ( ngày 21/06/2017), Báo BVPL đã phỏng vấn TS - NB Dương Thanh Biểu; Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, nguyên TBT đầu tiên của Báo Bảo vệ pháp luật:
PV: Trong giai đoạn tin tức mở, mạng xã hội lên ngôi thì báo chí cần phải có những thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu bạn đọc? TS đánh giá như thế nào về chuyện “giật tít câu view”?
TS. Dương Thanh Biểu: Chuyện “giật tít câu view” trong làm báo ngày càng nhiều, bị lạm dụng thái quá và dễ gây hiểu nhầm thông tin ban đầu, điều này gây tiêu cực và khó chịu cho độc giả. Dĩ nhiên, một bài viết hay thì cần phải có tiêu đề bài báo hay, nhưng không vì mục đích vụ lợi nào đó mà giật tít “kêu”, mập mờ thông tin... để thu hút người đọc, thậm chí là đánh lừa người đọc, làm giảm chất lượng báo chí.
Để phù hợp với xu thế phát triển thông tin toàn cầu cũng như trong nước, báo chí cũng cần thay đổi mạnh mẽ, nhưng không vì lý do đó mà “tự diễn biến – tự chuyển hóa” trong báo chí.
Trong tiến trình đổi mới và mở cửa, nhất là trong thời đại "thế giới phẳng" hiện nay, báo chí cũng phải đổi mới thật mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Khi mà mạng internet phát triển , mạng xã hội lên ngôi thì báo điện tử phải phát triển, báo chí càng phải có nhiều tác phẩm hấp dẫn, thời sự và nhanh nhạy, thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua View, các báo không thể buông lỏng quản lý, kiểm duyệt tin bài, nội dung và hình ảnh trước khi đăng tải, tránh thông tin gây thất thiệt, thiếu khách quan, bóp méo sự thật và sặc mùi “lá cải”.
PV: Cuộc chạy đua View có làm cho nội dung bài viết thiếu khách quan, trung thực, phiếm diện, kém chất lượng và hơi hướng “lá cải”?
TS. Dương Thanh Biểu: Trong cuộc chạy đua View cao cho loại hình báo điện tử không tránh khỏi sai sót về nội dung và hình ảnh đăng tải, thậm chí nhiều báo lớn còn dẫn tiêu đề câu View, hơi hướng “lá cải’. Thực tiễn vừa qua cho thấy, không ít tờ báo sau khi đăng tin, đăng bài trên báo điện tử đã phải gỡ bỏ vì những sai sót mang tính nghiêm trọng về nội dung và hình ảnh đăng tải.
Vì muốn đưa tin nhanh trong các vấn đề nóng, được đông đảo quần chúng quan tâm, nhiều tờ báo đã vội đưa tin và hình ảnh mà thiếu đi sự xác minh thực tế tại hiện trường, hồ sơ, tài liệu dẫn đến nhiều sai sót. Kiểu làm báo phòng lạnh, xào xáo tin không hiếm hiện nay đã khiến cho chất lượng bài báo kém, nội dung đơn điệu và hình ảnh kém chất lượng.
Báo chí trước sức ép thông tin mạng xã hội
PV: Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, liệu ngòi bút báo chí có bị bẻ cong theo nhóm lợi ích kinh tế nào đó? Làm sao để giữ được đạo đức nghề báo và nghĩa vụ công dân của nhà báo?
TS. Dương Thanh Biểu: Trong những năm gần đây, không ít nhà báo và thậm chi có cả lãnh đạo báo chí, đã bị kỷ luật vì vi phạm luật báo chí. Vì lợi ích cá nhân, một số nhà báo, phóng viên sẵn sàng "bẻ cong ngòi bút" để viết sai sự thật, che giấu thông tin bất lợi cho nhóm lợi ích, thậm chí viết bài theo “đơn đặt hàng”! Nguy hiểm hơn là một vài cây bút sẵn sàng phục vụ "lợi ích nhóm" để làm trái lương tâm và trách nhiệm của nhà báo.
PV: Quyền lực thật sự của báo chí? Rất nhiều kẻ đã mạo danh nhà báo trong thời gian qua để nhằm trục lợi từ người dân, doanh nghiệp và gây áp lực với cơ quan công quyền – Ông đánh giá như thế nào về điều này?
TS. Dương Thanh Biểu: Báo chí có sự ảnh hưởng, sức tác động không hề nhỏ đối với toàn xã hội, vì lẽ đó không ít kẻ đã mạo xưng là nhà báo, phóng viên để nhằm trục lợi từ người dân, doanh nghiệp và gây áp lực với cơ quan công quyền. Nhiều trường hợp mạo danh đã sử dụng các loại thẻ tác nghiệp để tạo vỏ bọc “kiếm cơm”.
Nhiều người cho rằng báo chí cũng có một quyền lực nhất định, quyền lực đó là tiếng nói của dư luận, của toàn xã hội mang lại. Vì thế, cũng không ít người mạo xưng là nhà báo, phóng viên đang công tác cơ quan báo chí này, nọ để lợi dụng "quyền lực" này, nhằm trục lợi cá nhân. Chúng ta nên mạnh mẽ đấu tranh với những việc làm tiêu cực trong thời gian qua, để giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam mà các thế hệ những người làm báo từ trước tới nay đã cống hiến, xây dựng.
PV. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, TS. có nhắn gửi đội ngũ làm công tác báo chí Ngành Kiểm sát điều gì không à?
TS. Dương Thanh Biểu: Rất nhiều nhà báo, phóng viên đã không ngại gian khổ, nguy hiểm trong nghề để có những bài viết điều tra, phản ánh những tiêu cực của xã hội, lên án tham nhũng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người làm báo. Rất nhiều sai phạm mang tính chất nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực đã được báo chí phanh phui, phản ánh kịp thời.
Bên cạnh đó, báo chí tuyên truyền đúng đắn, nhanh nhất các chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Báo chí phải có nhiều cố gắng trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển, có nhiều đề tài hay, bài viết xuất sắc mang tính định hướng và thời cuộc.
Thời gian qua, đội ngũ làm công tác báo chí của Báo BVPL, đã có nhiều cố gắng cải tiến, đổi mới hoạt đông tờ báo. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, phục vụ kịp thời nhu cầu bạn đọc. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những người làm báo chí của Ngành nói chung và Báo BVPL nói riêng đã không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Báo BVPL. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo BVPL sẽ không ngừng đổi mới, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhân dịp này, xin kính chúc Ban biên tập, anh chị em làm công tác báo chí của Báo BVPL luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đượcLãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao phó.
Trân trọng cảm ơn Ông!
Đình Quân(BVPL)