Liên tiếp những thông tin tích cực của ngành ngân hàng (NH) về tăng trưởng tín dụng - như được giao chỉ tiêu 15% cả năm 2024; nhiều NH rục rịch báo lãi 2023 tích cực; mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục trong 20 năm qua; Thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn nợ cho khách hàng... - đã thúc đẩy cổ phiếu ngành này, còn gọi là cổ phiếu "vua", bật sáng trở lại.
Tuần giao dịch đầu năm 2024, thị trường chứng khoán gây ấn tượng với chuỗi tăng liên tiếp. VN-Index dễ dàng vượt mốc kháng cự mạnh ở 1.150 điểm, tăng 2,19% so với tuần cuối năm 2023, lên mức 1.154,68 điểm. Điểm nhấn là thanh khoản tăng mạnh, có phiên đạt trên 1 tỉ USD.
Nhóm cổ phiếu ngành NH bật tăng khá tốt sau 1 năm dài ảm đạm. Trong đó, các mã tăng mạnh nhất là MBB (+9,92%), VCB (+7,35%), OCB (+7,15%), CTG (+7,01%), SHB (+6,94%)... Thậm chí, một số mã như BID của NH Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), ACB của NH Á Châu còn vượt đỉnh lịch sử. Cổ phiếu BID chốt tuần ở mức 44.500 đồng, cao hơn mức đỉnh 44.000 đồng được lập đầu năm 2022. Cổ phiếu ACB cũng leo lên 25.450 đồng, chạm mức cao nhất trong quá khứ là 25.550 đồng lập vào tháng 7-2021.
Một vài cổ phiếu khác như VCB, HDB, STB cũng đang hướng đến vùng đỉnh cũ, được lập vào giai đoạn 2021-2022. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu "vua" bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu tiên sau nhiều tháng, nhóm ngành này mới trở lại vai trò dẫn dắt thị trường.
Công ty Chứng khoán SHS nhận xét nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như NH tăng giá đến từ thông tin tăng trưởng tín dụng năm 2023 gần đạt chỉ tiêu đề ra và NH Nhà nước mạnh tay phân bổ toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 về cho tất cả NH thương mại, thay vì phân nhỏ giọt từng đợt như những năm trước. Điều này giúp các NH thương mại chủ động hơn trong hoạt động cho vay của mình.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định việc trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đi kèm với sự bùng nổ mạnh về thanh khoản - dòng cổ phiếu NH. Điều đó cho thấy những dấu hiệu của dòng tiền lớn gia nhập thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Trưởng Phòng Phân tích Khối vĩ mô và Chiến lược - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của ngành NH tăng mạnh lên mức 13,5% từ con số thấp trước đó sẽ góp phần phục hồi lợi nhuận trong năm 2024. Ngoài ra, tín dụng tăng cao hơn dự kiến còn có tác động tích cực đến việc giảm tỉ lệ nợ xấu. Đây là những thông tin tích cực đối với nhóm cổ phiếu "vua".
"Dù các NH có thể vẫn phải gánh mức trích lập dự phòng năm 2024 cao tương đương năm 2023 nhưng với kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sớm đạt đỉnh, nhiều khả năng các chỉ số chất lượng tài sản của NH sẽ sớm phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2024, trễ nhất là năm 2025. Động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ bao gồm các yếu tố như: sự phục hồi của biên lãi ròng (NIM), tăng trưởng tín dụng cao hơn, đặc biệt là kỳ vọng ngành bất động sản phục hồi" - bà Bảo Trân nhìn nhận.
Nhiều chuyên gia khác cũng tin rằng với mức tăng trưởng tín dụng nhảy vọt trong những tuần cuối của năm 2023, thu nhập lãi sẽ đóng góp chính vào lợi nhuận của NH trong thời gian tới.
Theo Bloomberg, nhóm cổ phiếu ngành NH của Việt Nam đang giao dịch với định giá sổ sách (P/B) dự kiến năm 2024 ở mức 1,0x và tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 20%. Chỉ số ROE của ngành NH vẫn duy trì xu hướng tăng trong giai đoạn 2018-2022 dù tỉ lệ đòn bẩy giảm. Trừ năm 2023, ROE có thể giảm nhưng điều này được đánh giá chỉ là tạm thời.
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 khả quan hơn dự báo, giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng Ảnh: Tấn Thạnh
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chính thức báo cáo số liệu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 13,71%, tương ứng khối lượng tuyệt đối có thể đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỉ đồng.
Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ ở mức 15%. Nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỉ đồng, nghĩa là sẽ có thêm gần 2 triệu tỉ đồng được "bơm" vào nền kinh tế trong năm 2024.
Muốn tăng tín dụng thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lãi suất. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện nay, lãi suất xuống thấp hơn trước dịch COVID-19 khá nhiều, có thể là thấp nhất trong khoảng 10-20 năm. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tăng trưởng tín dụng tăng mạnh.
"Ngay từ ngày 1-1, NH Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng cả năm là 15% cho các tổ chức tín dụng. Những NH nào có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng, an toàn hệ thống... sẽ tiếp tục được giao thêm. Cơ chế, định hướng của Chính phủ, điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp và cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng đều thuận lợi" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận xét.
Ông Trần Tánh, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng NH Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 và cấp hạn ngạch cả năm cho các NH, thay vì chia ra nhiều đợt, là mức tăng trưởng có thể đạt được trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tốt hơn. Với ngành NH, dự kiến chi phí huy động vốn sẽ giảm khoảng 1%-2% trong quý IV/2023 và sẽ kéo dài ít nhất đến hết nửa đầu năm. Nguyên nhân là do các khoản tiền gửi có lãi suất cao trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 phần lớn đã đáo hạn xong.
NIM của ngành NH có thể vẫn chịu áp lực khi mức trần nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung - dài hạn giảm từ 34% xuống 30%. Theo đó, các NH phải giảm cho vay hoặc phải huy động thêm nguồn vốn trung - dài hạn. Tuy nhiên, theo chuyên gia của Yuanta Việt Nam, sự thay đổi này có thể tác động không lớn đối với những NH có tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn thấp.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng tốc độ tăng của tỉ lệ nợ xấu sẽ sớm hạ nhiệt trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm, kinh tế đang phục hồi. Tỉ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ nhóm 2-5) của các NH niêm yết có sự phân hóa trong quý III/2023 nhưng nhìn chung có xu hướng cải thiện. Tốc độ hình thành nợ xấu mới đã liên tục suy giảm từ năm ngoái.
Đến ngày 7-1, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một số NH thương mại đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu lợi nhuận khả quan hơn mong đợi. Thậm chí, có NH vượt chỉ tiêu đề ra.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của NH này tăng 10,2% so với năm trước, hoàn thành 100,3% kế hoạch năm 2023. Từ con số này, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trong năm 2023 của Vietcombank ở mức hơn 40.400 tỉ đồng. Hai "ông lớn" NH khác là BIDV, Agribank cũng đều công bố lợi nhuận năm 2023 với những con số tích cực. BIDV cho hay các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt kế hoạch, trong đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỉ đồng. Agribank thông tin kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, với mức lãi trước thuế vượt 1 tỉ USD.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 311.240 tỉ đồng. Trong đó, 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỉ đồng (chiếm 11,9%) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỉ đồng (chiếm 88,1%). NH là nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất với 176.006 tỉ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỉ đồng (chiếm 23,5%).
Năm 2024, VBMA ước tính khoảng 277.065 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Hiện số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc trong tháng 12-2023 với tổng giá trị gần 546 tỉ đồng.
Theo NLĐ