Chuyện thần tượng một ai đó là quyền cá nhân của mỗi người. Thế nhưng thể hiện thế nào để thần tượng của mình cảm thấy vui và người khác nhìn vào không cảm thấy quá lố là việc không phải bạn trẻ nào cũng hiểu và làm được. Bằng chứng là từ trước đến nay đã có khá nhiều “pha” thể hiện sự ngưỡng mộ của các bạn trẻ trước thần tượng khiến dư luận dậy sóng.
Khoảnh khắc nam sinh quỳ lạy Jack Ma.
Chuyện thần tượng một ai đó là quyền cá nhân của mỗi người. Thế nhưng thể hiện thế nào để thần tượng của mình cảm thấy vui và người khác nhìn vào không cảm thấy quá lố là việc không phải bạn trẻ nào cũng hiểu và làm được. Bằng chứng là từ trước đến nay đã có khá nhiều “pha” thể hiện sự ngưỡng mộ của các bạn trẻ trước thần tượng khiến dư luận dậy sóng.
Hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện Bi Rian đến Việt Nam trong chương trình giao lưu văn hóa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc vào đầu năm 2012. Lúc đó, có một hành động đã gây chấn động dư luận: một fan Việt hôn chiếc ghế Bi Rian ngồi và sau đó còn lên trang facebook cá nhân khoe “chiến tích” này với mọi người. Cũng trong sự kiện Bi Rian tới Việt Nam năm đó, một số bạn trẻ đã lên mạng xã hội chửi bới bố mẹ của mình vì không cho tiền mua vé đi gặp thần tượng. Thật hết nói, làm sao có thể vì một người xa lạ, chẳng bao giờ nuôi mình được một ngày mà sẵn sàng chửi bới người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình như vậy chứ?
Rồi bao nhiêu hình ảnh fan Việt vật vờ, khóc lóc ở sân bay, khách sạn để chờ, đón thần tượng của mình xuất hiện không ít lần khiến dư luận sửng sốt trước cách thể hiện tình cảm có phần thái quá trước thần tượng của họ.
Mới đây, trong sự kiện tỷ phú Jack Ma tới Việt Nam và có buổi giao lưu, gặp gỡ với sinh viên Việt Nam tại Hà Nội cũng đã xuất hiện một hành động của một fan Việt trước thần tượng khiến dư luận dậy sóng, xì xào bàn tán.
Cụ thể, khi được chọn là người tiếp theo đặt câu hỏi cho khách mời, một nam sinh trong hội trường liên tục hô to “We love Jack Ma”. Tiếp theo, trong sự phấn khích, nam thanh niên gần như lạc giọng khi giới thiệu về mình, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ với tỷ phú Jack Ma.
Với sự chuẩn bị từ trước, thậm chí, nam thanh niên sau đó cầm trên tay một chiếc phong bì thư cùng hộp bánh đậu xanh còn định lao lên sân khấu để tặng thần tượng. Chứng kiến hành động này của nam thanh niên, cả khán phòng đã náo loạn. Rất may, lực lượng an ninh đã có mặt kịp thời để ngăn cản nam sinh lao lên sân khấu.
Chưa hết, hành động sau đó của nam sinh mới khiến khán phòng náo loạn và khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Cụ thể, khi vừa đem Micro cho người khác cầm, nam sinh ngay lập tức chấp hai tay vừa đi vừa nói “hello” rồi quỳ ngay giữa lối đi lại để thể hiện sự ngưỡng mộ với Jack Ma.
Hình ảnh nam thanh niên quỳ gối trước thần tượng ngay sau đó đã tràn ngập mạng xã hội với đầy đủ lời khen chê, trách móc. Có người sẵn sàng dùng những lời lẽ nặng nề nhất để miêu tả hành động này của anh chàng.
Riêng tôi, cũng là một người trẻ, cũng từng thần tượng một ai đó, khi nhìn thấy hình ảnh ấy, chỉ thầm cười trong bụng và trộm nghĩ không hiểu lý do thật sự khiến nam sinh có thể hạ mình vái lạy Jack Ma như thế. Vì thật sự, hành động chấp tay vái lạy người ta chỉ thực hiện trước thần thánh, trước ông bà tổ tiên, những người đã khuất… Còn đối với người đang sống, dù là ai đi nữa, có nhất thiết phải vái sống như thế?
Đó chưa chắc đã là hành động thể hiện sự kính yêu, mà ngược lại còn là hành động bất kính với thần tượng của mình. Đồng thời bất kính với người khác. Có thể, đối với anh chàng, hành động vái lạy Jack Ma là hành động hết sức vô tư, bột phát. Thế nhưng anh chàng này nên nhớ, Jack Ma là người nước ngoài. Nhất là khi bạn đã nói “We love Jack Ma – Chúng tôi yêu Jack Ma” là đã không phải đại diện cho một mình cá nhân bạn nữa rồi, mà đã bao gồm có tôi và nhiều bạn trẻ Việt Nam trong đó. Và không phải bạn trẻ nào cũng đồng tình với cách thể hiện tình cảm của bạn trước Jack Ma.
Thử hỏi, với một người có tầm ảnh hưởng, được sự quan tâm lớn của truyền thông quốc tế lớn như Jack Ma, khi hình ảnh nam sinh quỳ lạy trước ông xuất hiện ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì các bạn trẻ thế giới sẽ nghĩ thế nào về giới trẻ Việt Nam? Biết đâu họ lại nghĩ: Ồ, không ngờ các bạn trẻ Việt Nam lại thấp hèn như vậy, sẵn sàng vái lại một người nước ngoài? Thử hỏi, lòng tự tôn, trước hết là sự tự tôn của bản thân mình, rồi lòng tự tôn dân tộc để đâu?
Và cuối cùng, có nhất thiết phải vái lạy thần tượng của mình? Tuổi trẻ, có ai đó thần tượng là tốt. Nhưng liệu những hành động kiểu như khóc lóc, vái lạy thần tượng có làm tốt hơn, đẹp hơn trong mắt thần tượng, trong cuộc sống? Hay, tốt hơn là tìm hiểu những đức tính tốt ở thần tượng và học tập theo họ?
Nhà vật lý lý thuyết người Đức, Albert Einstein nổi tiếng thế giới, được nhiều người thần tượng từng nói: “Ai cũng nên được tôn trọng như một cá nhân, nhưng không phải là thần tượng hóa”. Hiểu câu nói này là tùy mỗi người. Đối với tôi, cũng đã có khoảng thời gian thần tượng một ai đó, và bây giờ khi thời gian đi qua, tôi không bao giờ thần tượng một ai đó, mặc dù cũng có nhiều người khiến tôi nể phục, kính trọng, nhưng tuyệt nhiên không còn thần tượng một ai nữa!
Theo Hàn Sơn (vanhien.vn)