Một góc rừng Amazon bị cháy ở Iranduba, Brazil, ngày 20.8.2019. Ảnh: Reuters
Tình hình cháy rừng Amazon đã nguy kịch đến mức đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế.
Về tình hình cháy rừng Amazon, nhà sinh học Marta Marcondes báo động với hãng tin AFP: "Tôi chưa bao giờ thấy như thế, đây quả là một giai đoạn nghiêm trọng".
Giáo sư Marcondes đưa ra lời báo động này sau khi phân tích các vết nước mưa ngày 19.8 tại Sao Paolo, ngày mà người dân tại bang đông dân nhất của Brazil đã rất bất ngờ khi thấy mới có 3 giờ chiều mà trời đã tối mịt và ở một vài nơi, nước mưa có màu xám.
Giáo sư Marcondes cho biết nồng độ các hạt bụi ô nhiễm trong nước mưa cao hơn mức trung bình trong những trường hợp tương tự, tức là mưa sau nhiều ngày khô hạn. Nhưng điều làm bà rất hoảng sợ đó là mùi gỗ cháy từ các hạt đó.
Sao Paolo nằm gần bờ biển, cách các khu rừng bị cháy hàng mấy nghìn cây số, như vậy là tình hình ở các vùng nằm sâu hơn trong đất liền chắc còn nghiêm trọng hơn.
Theo các số liệu của Viện Quốc gia Nghiên cứu Không gian Brazil (INPE), tính từ tháng Giêng cho đến ngày 21.8.2019, đã có hơn 75.000 vụ cháy rừng được ghi nhận, tức là tăng đến 84% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có hơn 52% vụ là tại vùng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và được coi là lá phổi của hành tinh.
Cũng theo INPE, chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ đã có gần 2.500 vụ cháy rừng mới trên toàn lãnh thổ Brazil. Điều này phản ánh phần nào tốc độ cháy rừng ở Brazil, quốc gia chiếm 60% diện tích rừng Amazon.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí ở Brazil, các vụ cháy ở rừng Amazon còn gây lo ngại ngày càng nhiều cho cộng đồng quốc tế, khiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lên tiếng, lý do là vì khu rừng nhiệt đới này có vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Amazon sản sinh 20% lượng khí oxy cho trái đất và là một nguồn quan trọng về đa dạng sinh thái. Bình thường, rừng Amazon hấp thụ nhiều khí CO2 hơn là lượng khí phát ra, nhờ vậy mà góp phần điều hòa sự hâm nóng bầu khí quyển.
Nhưng khả năng này của Amazon đang suy giảm cùng với đà phá rừng và hậu quả trước mắt của các vụ cháy rừng Amazon đó là một lượng rất lớn khí CO2 sẽ phát ra. Đó là chưa kể sự tàn phá đối với tính đa dạng sinh thái của rừng nhiệt đới này.
Tình hình rừng Amazon đã nguy kịch đến mức đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế. Áp lực hiện đang gia tăng lên Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro để buộc ông thay đổi chính sách.
S.M (laodong.vn)